Năm 2022 chỉ số lạm phát tại Việt Nam có thể ghi nhận hơn 4%
Trước những biến động từ xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiên liệu thế giới tăng mạnh với giá dầu thô vọt lên gần 140 USD/thùng, viễn cảnh dầu thô vượt đỉnh năm 2008 lên 150 USD/thùng đã cònkhông xa.
Giá dầu thế giới tăng, kéo theo nhiều mặt hàng Việt Nam đang phụ thuộc nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, kể từ cuối tháng 2 đến nay, các mặt hàng thiết yếu trong nước như xăng, dầu, gas, thép, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu phân bón… đang đồng loạt tăng giá với mức cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các đơn vị logistics cũng báo giá vận tải trong nước đã tăng mạnh.
Hiện giá xăng trong nước đã chạm mốc 30.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng liên tục có sự biến động, có lúc chạm đỉnh trên 70 triệu/lượng khiến nhiều người lo sợ về bối cảnh lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, chiến sự Nga - Ukraine có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 1,1 - 1,3 điểm %, lạm phát (CPI) tăng 0,8 - 1 điểm % ghi nhận hơn 4% trong năm 2022.
“Năm 2021, lạm phát toàn cầu tăng mạnh lên 3,3%, năm 2022 được dự báo tăng lên 4% nhưng theo chúng tôi, có thể tăng thêm 0,5 điểm % tức là đạt 4,5%. Lạm phát chủ yếu do các loại hàng hóa đều tăng như dầu khí, nhất là phân bón. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam bởi 86% thành phần gia đình tại Việt Nam là tam nông, khi giá phân bón tăng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất của người dân”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Theo đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, dù có rất nhiều động lực nhưng trong năm 2022, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức bao gồm: Rủi ro địa chính trị (chiến sự Nga - Ukraine); giá cả, lạm phát còn tăng mạnh; các nước thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp; dịch bệnh còn phức tạp, phòng chống dịch còn thiếu nhất quán; tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế khác nhau nên phục hồi khác nhau; sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm; lạm phát tăng; rủi ro nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng (trong tầm kiểm soát); doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là về nhân sự; cơ cấu DNNN còn gặp nhiều thách thức, nợ xấu tăng. Đặc biệt, Việt Nam cũng không nằm ngoài những thách thức này.
Trước bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro, dòng tiền đầu tư sẽ ngày càng thận trọng trong việc tìm bến đỗ. Với thực trạng lạm phát tăng, giá vàng lập đỉnh, chứng khoán, tiền ảo nhiều biến động, chỉ còn bất động sản là kênh đầu tư “vua” giúp trú ẩn an toàn.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh nào, bất động sản vẫn được lựa chọn để đầu tư. Thậm chí, nhìn về dài hạn thì lạm phát và giá bất động sản di chuyển cùng hướng với nhau. Bởi trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, giá bất động sản không những giảm như những ngành kinh tế khác, mà còn leo thang, do đó khi lạm phát tăng cao sẽ càng đẩy giá tài sản lên cao.
Tại tọa đàm trực tuyến mới đây, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, về kinh tế học khi lạm phát xảy ra, thị trường sẽ ghi nhận dòng tiền đổ mạnh vào kênh đầu tư bất động sản, nơi được mệnh danh là “trữ tiền an toàn”. Nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2 - 1,5 tỷ đồng.
Ông Khương khuyến nghị, lạm phát xảy ra, càng đầu tư bất động sản lớn thì càng tốt. Nếu nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính thì việc xuống tiền ngay từ bây giờ là hợp lý. Ông Khương cũng cho rằng, tỷ suất sinh lời cao và nhanh ở thời điểm hiện tại sẽ khác so với những năm trước. Không phải cứ đầu tư năm nay là năm sau kiếm được 40 - 50%.
Căn hộ, đất nền được săn đón đầu tư
Xác định bất động sản là đích đến, song điều nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này là rót tiền vào phân khúc nào thì phù hợp?
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, căn hộ và đất nền sẽ là những kênh đầu tư an toàn nhất.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM cho rằng, những ưu đãi mạnh tay của các chủ đầu tư bất động sản thời điểm này được xem là giải pháp thiết thực nhất để người mua nhà có thể mua bất động sản trong thời điểm giá cả leo thang. Vì vậy, phân khúc căn hộ sẽ đáng được săn đón để xuống tiền. Thực tế cũng cho thấy, hiện nay các nhà đầu tư đang tìm kiếm các phân khúc căn hộ vừa túi tiền. Đặc biệt là các căn hộ sức khoẻ, căn hộ xanh, có thể xa nội thành hướng đến những khu vực vùng ven.
“Khi nhu cầu đầu tư đổ vào lớn sẽ kéo giá bất động sản tăng lên. Do đó, dù lạm phát giá các bất động sản nói chung và phân khúc căn hộ nói riêng vẫn sẽ theo đà tăng, khó có chuyện chững lại hay giảm xuống.
Theo nhiều báo cáo cũng cho thấy, căn hộ trung cấp tại TP.HCM đang có tầm giá tiệm cận mức 60 triệu đồng/m2, tăng 11% so với quý IV/2021 và hơn 27% theo năm. Mức giá sơ cấp căn hộ trung bình tại TP.HCM vượt mức 58 triệu đồng/m2”, ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.
Bên cạnh phân khúc căn hộ, thống kê của CBRE và Savill đều đồng quan điểm khi chỉ ra rằng, đất nền cũng là dòng sản phẩm “vua” trong rổ hàng tích trữ tài sản của người Việt với ưu điểm giá mềm, tỷ suất sinh lời luôn cao nhất trong mọi phân khúc. Đơn cử tại Bình Dương trong giai đoạn 2018 - 2020 nếu vàng tăng trưởng 51%, chung cư tăng 68% thì đất nền tăng đến 98%. Điều này đã tạo ra áp lực dịch chuyển đến thị trường liền kề đang phát triển mạnh như Bình Dương. Tuy nhiên, nguồn cung của Bình Dương hiện cũng đang chững lại.
Thống kê từ DKRA Vietnam, trong cả năm 2021 đất nền của tỉnh này chỉ có khoảng 870 sản phẩm, tập trung ở các huyện vùng ven. Trong khi tại vùng lõi trung tâm phát triển mạnh như TP. Thuận An lại hoàn toàn vắng bóng, đặc biệt là dự án quy hoạch bài bản có pháp lý sạch. Điều này càng là cơ sở cho giá đất nền sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, dù bất động sản là kênh đầu tư an toàn, song để hiệu quả nhà đầu tư cần cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ các địa điểm trước khi xuống tiền.
“Ở mỗi khu vực sẽ có những mức giá khác nhau, thanh khoản khác nhau, khả năng sinh lời khác nhau. Chưa kể, khi lạm phát vượt mức quá cao, áp lực lên nền kinh tế là rất lớn. Do đó, đầu tư vào bất động sản trong cơn lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng mạnh, nhà đầu tư cần tính toán rằng, khi lãi suất tăng, dòng tiền thu về từ đầu tư bất động sản có đủ để thanh toán cho khoản lãi vay hay không, hay bất động sản đó có tính thanh khoản để thu về dòng tiền khi cần thiết hay không? Vì khi đó lãi suất sẽ chịu áp lực tăng, lãi suất tiền gửi sẽ ở mức 8 - 10%/ năm, lãi suất cho vay sẽ cao sẽ trở lại, những rủi ro biến động trên thị trường bất động sản sẽ rất lớn. Để chắc ăn, khi lạm phát tăng cao chỉ nên đầu tư khi có tiền nhàn rỗi”, ông Bảo nhìn nhận./.
Nguồn: https://reatimes.vn/bds-can-ho-dat-nen-duoc-san-tim-khi-nguy-co-lam-phat-20201224000010693.html