2 năm qua, dù có những giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, thị trường bất động sản khu công nghiệp cũng đã nhanh chóng đứng vững trong bão Covid-19, vẫn là điểm sáng ghi nhận tăng trưởng với nguồn cầu lớn, tỷ lệ lấp đầy cao. Đây được xem là phân khúc ngược dòng ấn tượng nhất so với phần còn lại của thị trường bất động sản giai đoạn 2020 - 2021 và dự kiến còn bứt phá trong năm 2022.

Đặc biệt, việc nối lại các chuyến bay quốc tế đang mở ra cơ hội đón nhà đầu tư nước ngoài và mang đến sự hào hứng cho thị trường bất động sản công nghiệp. Nhận định tổng quan về tình hình thị trường bất động sản công nghiệp sau khi mở cửa, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội.

PV: So sánh với các nước láng giềng trong khu vực, ông nhận định như thế nào về tình hình bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh hiện tại?

Ông Matthew Powell: So với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đang ở một vị thế khá thuận lợi. Thứ nhất, giá bất động sản vẫn tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ. Giá bất động sản công nghiệp đang trên đà tăng, bên cạnh đó nhiều dự án mới đang được bổ sung vào nguồn cung tương lai.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, vấn đề nằm tại lực lượng lao động, bao gồm chất lượng tay nghề, môi trường làm việc và phúc lợi xã hội. Với nhiều cơ hội việc làm và phát triển, giá nhân công tại Việt Nam ở mức tương đối rẻ trong khu vực. Hơn thế nữa, vì khung pháp lý thuận lợi, các doanh nghiệp FDI cũng cảm thấy thoải mái khi đầu tư và làm việc tại Việt Nam.  

PV: Theo ông, các doanh nghiệp FDI đóng vai trò như thế nào trong thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam?

Ông Matthew Powell: Việc các doanh nghiệp có danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mở cửa đường bay, BĐS công nghiệp kỳ vọng bứt tốc

Ví dụ như Lego hiện đang chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu. Do đó việc doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà xưởng mới là một thành công rực rỡ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

Bên cạnh những tập đoàn lớn, Việt Nam cũng thu hút vốn FDI từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần. Ngoài ra, số lượng các dự án công nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, với mục tiêu ưu tiên phát triển trung tâm dữ liệu.

Các yếu tố mang tính quyết định giúp các địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư FDI có thể kể đến như: Cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, vị trí gần với các bến cảng, sân bay hay gần khu vực đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Hiện nay các doanh nghiệp FDI đang cố gắng mở rộng và đa dạng hoá thị trường. Trong đó, Việt Nam nổi lên với sự ổn định về chính trị, cơ hội đầu tư rộng mở, đáp ứng được các nhu cầu từ doanh nghiệp liên quan đến các yếu tố pháp lý và hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Tuy thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng cũng đã có nhiều cải thiện. Nhìn chung, có rất nhiều nhân tố “kéo” các nhà đầu tư về với thị trường Việt Nam, thay cho những điểm đến khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan.

PV: Theo ông, việc mở cửa lại đường bay quốc tế sẽ đem đến cơ hội nào cho các doanh nghiệp FDI?

Ông Matthew Powell: Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà phát triển bất động sản công nghiệp trong khu vực với các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc dự án mới. Nổi bật là các dự án trung tâm dữ liệu và kho vận đang ghi nhận sự gia tăng nguồn đầu tư chất lượng cao.

Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với đó, một số công ty lớn của Mỹ và Châu Âu đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam. Đối với những doanh nghiệp này, họ nghiên cứu chuyên sâu các yếu tố bao gồm giá cả, chi phí nhân công, hệ thống giao thông và thời gian di chuyển tới các cảng... Các yếu tố này sẽ được tính toán dựa trên đặc thù ngành và sản phẩm của từng doanh nghiệp.

Mặc dù dịch bệnh đã gây ra nhiều cản trở đối với việc đầu tư do các hạn chế khi làm việc qua Internet, các doanh nghiệp cũng khó có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, tuy nhiên, với sự trở lại của các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/03, chúng tôi kỳ vọng sự bùng nổ trong vốn đầu tư nước ngoài với nhiều dự án mới được ký kết, đặc biệt là các nhà máy sản xuất và hậu cần kho bãi trong những tháng sắp tới. Bên cạnh đó, quyết định mở cửa đường bay sẽ giúp các doanh nghiệp FDI tiếp cận dự án khu công nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn, các hoạt động xúc tiến được đẩy nhanh hơn. Điều này sẽ tạo bước tiến lớn cho đà tăng trưởng của phân khúc này trong năm 2022.

Xin cảm ơn ông!

Theo Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/mo-cua-duong-bay-bat-dong-san-cong-nghiep-ky-vong-but-toc-20201224000010573.html