Ngành hàng không lao đao vì đại dịch

Trong năm 2020, các hãng hàng không trên thế giới đã vận chuyển khoảng 1,8 tỷ lượt khách so với 4,9 tỷ trong năm 2019, lưu lượng vận chuyển quốc tế đã giảm tới 60%. Hoạt động vận chuyển hàng không nội địa cũng bị ảnh hưởng rất lớn, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2003. 

Đại dịch Covid-19 đã tạo một cú sốc lớn với vận tải hàng không, khiến lượng hành khách luân chuyển toàn cầu suy giảm lớn nhất trong lịch sử. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu hàng không thế giới bị giảm 419 tỷ USD, các hãng lỗ 84 tỷ USD. Từ khi dịch bùng phát đến nay, Covid 19 đã "đốt" 41% giá trị vốn hóa của 116 công ty hàng không niêm yết, trị giá 157 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Cục Hàng không cho biết thị trường vận tải hàng không đã giảm mạnh so với các năm trước, sản lượng điều hành bay ước đạt 424.000 chuyến, giảm 548.000 chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019. 

Thậm chí, có ngày trên 40 đường bay nội địa chỉ có 100 chuyến bay. Trong khi đó trung bình trên đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội là hơn 70 chuyến/ngày/chiều.

Trong văn bản của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư mới đây cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến 3 đơn vị lớn ngành hàng không có vốn Nhà nước gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) và Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) thiệt hại lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết kéo dài thời gian giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay còn 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021 để gỡ khó cho doanh nghiệp hàng không, gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...

Vực dậy sau khó khăn, thách thức

Để tồn tại, các hãng hàng không trong nước đã triển khai hàng loạt giải pháp như giảm nhân sự, bố trí lại việc làm, giảm thu nhập của cán bộ và nhân viên, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đàm phán đối tác giãn tiến độ thanh khoản, đẩy mạnh các chuyến bay giải cứu. 

Nhằm hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp hàng không nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững, ông Nguyễn Tiến Hoàng -Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, Vietnam Airlines đã đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các bộ ngành như: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành Hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá...

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây tổn hại nghiêm trọng tới hoạt động hàng không trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây tổn hại nghiêm trọng tới hoạt động hàng không trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Còn theo bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air, Hãng đã đề xuất các cơ quan chức năng giảm và kéo dài thời gian ưu đãi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm phí, lệ phí và các chi phí dịch vụ cảng hàng không…

Các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn về thanh khoản trong 2 – 3 năm tới do sụt giảm mạnh về doanh thu. Do vậy, Vietjet kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn, hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm. 

Nhằm chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không, Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã giảm giá bảy loại dịch vụ hàng không cho tất cả hãng hàng không trong nước và quốc tế sử dụng các dịch vụ của ACV. 

Cụ thể, các dịch vụ giảm giá gồm: Dịch vụ dẫn máy bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng điều chỉnh giảm 50% mức giá dịch vụ cất hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Để giúp hàng không vượt khủng hoảng, giữa tháng 1/-2020, Quốc hội đã đồng ý giải cứu Vietnam Airlines gói vay 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi 4%/năm.

Đẩy mạnh bay nội địa, giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid-19

Theo Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Tô Tử Hà, từ đầu tháng 9 đến tháng 10/2020, lượng hành khách qua cảng tăng trưởng 15% hàng tuần. Đặc biệt trong những ngày cuối tuần, Nội Bài đón hơn 250 lượt chuyến bay và trên 29.000 lượt hành khách mỗi ngày, tăng gấp 3 lần so với tháng 8.

Các chuyên gia đánh giá thị trường hàng không nội địa tiếp tục cho thấy khả năng “hồi sinh” vượt dự tính khi làn sóng Covid-19 thứ 2 dần được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Điều này cũng cho thấy sự tín nhiệm lớn từ đông đảo hành khách đặt vào hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh của các hãng hàng không Việt.

Tăng cường bay nội địa được xem là giải pháp để ngành hàng không Việt Nam giảm thiểu những thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Tăng cường bay nội địa được xem là giải pháp để ngành hàng không Việt Nam giảm thiểu những thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Về triển vọng của ngành hàng không năm 2021, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia lĩnh vực hàng không, kiến nghị Chính phủ nên xem xét toàn diện các hãng hàng không đã đóng góp như thế nào. Từ đó có chính sách hỗ trợ tương ứng để giúp các hãng hàng không vượt khủng hoảng. 

Hiện dịch bệnh Covid-19 trên thế giới rất khó đoán định, trừ khi có đủ vaccine để khống chế, khi đó mới có câu trả lời rõ ràng về triển vọng đường bay thương mại quốc tế nối lại bình thường.

Ngược lại, Việt Nam với lợi thế 40 đường bay nội địa và tiềm năng du lịch hấp dẫn trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ thu hút khách du lịch nội địa trong năm tới.

Đề ra giải pháp phát triển bền vững, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, thị trường nội địa đang là chỗ dựa quan trọng với lợi thế 40 đường bay. Do đó cần kích hoạt thị trường nội địa hàng không cũng như du lịch, tạo nên sức cầu nội địa.

Khẳng định Chính phủ thường xuyên quan tâm tới phát triển ngành hàng không như đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hành lang pháp lý tạo môi trường hoạt động ngày càng thuận lợi, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định, Bộ GTVT sẽ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại trước những khó khăn, thách thức to lớn bởi đại dịch Covid-19.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/bay-noi-dia-cuu-canh-cho-nganh-hang-khong-viet-nam-post112627.html