Trước lo lắng của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết sẽ nâng cấp ưu đãi đối với doanh nghiệp. Còn chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không làm giảm tính hấp dẫn trong cạnh tranh thu hút FDI vào các khu công nghiệp của Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam đã chuẩn bị bước vào tháng cuối quý III/2024 với nhiều chỉ số tích cực. Dòng vốn FDI là một trong những điểm sáng rõ nét nhất trên thị trường chung. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 10.763,9 triệu USD, tăng 11,6% về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước có 1.627 dự án và vốn đăng ký đạt 7.935,1 triệu USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước - mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020 - 2024.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: "Việt Nam vẫn giữ nhịp thu hút FDI khá tốt trong bối cảnh sụt giảm toàn thế giới cũng như lượng vốn chảy vào các nước đang phát triển có xu hướng giảm sút".

Cùng với việc duy trì sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, Việt Nam cũng đón nhận thêm loạt dự án công nghiệp mới từ Bắc chí Nam. Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án nghìn tỷ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đơn cử như Khu công nghiệp Thổ Hoàng ở Hưng Yên (tổng vốn 3.095 tỷ đồng), Khu công nghiệp Phúc Long mở rộng ở Long An (5.642 tỷ đồng), Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1 ở Tây Ninh (2.350 tỷ đồng), Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 ở Thái Nguyên (3.985 tỷ đồng), Khu công nghiệp Đông Anh ở Hà Nội (6.338 tỷ đồng)...

Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh dự báo: "Lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Nhiều khu công nghiệp lớn liên tục được chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian qua giống như một đòi hỏi cần thiết nhằm nâng cao hạ tầng, đón đầu sự phát triển của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước".

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế.

Vị chuyên gia lý giải, kinh tế đang dần hồi phục và phát triển, giao lưu xã hội tốt hơn, xuất nhập khẩu hàng hóa được cải thiện, vốn đầu tư tăng trưởng..., kéo theo đó là các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất đắt khách. Ở chiều trong nước, bản thân các doanh nghiệp nội cũng mong muốn có sự đầu tư để hoạt động kinh doanh sinh lời trong bối cảnh kinh tế hứa hẹn tăng trưởng tích cực.

Trước đó vào quý I/2024, khi đưa ra dự báo về triển vọng thị trường bất động sản khu công nghiệp trong năm nay, CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nước ta có những lợi thế cạnh tranh nhất định.

Thứ nhất, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của dòng vốn sản xuất theo chiến lược "Trung Quốc + 1". Giai đoạn 2022 - 2025, nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch, nối liền các tỉnh, thành và vùng kinh tế đã được phê duyệt và nhanh chóng khởi công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Điển hình như đường Vành đai 4 phía Bắc, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được hoàn thiện, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép - Thị Vải.

Thứ hai, nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ sẽ là yếu tố giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư. Mỗi năm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200 - 300 tỷ USD, song vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam trong các năm gần đây chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm. Sau khi nâng tầm hợp tác với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, dòng vốn FDI của Mỹ đầu tư ở Việt Nam được kỳ vọng đẩy mạnh.

Thách thức hiện diện nhưng "trong nguy có cơ"

Được đánh giá là đang phát triển mạnh mẽ với nhiều dư địa tăng trưởng, song theo giới chuyên môn, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Dưới góc nhìn của nhóm phân tích MBS, Việt Nam cần gia tăng cạnh tranh thu hút FDI của các nước trong khu vực, nhất là với những quốc gia như Ấn Độ hay Indonesia. Nguy cơ thiếu điện cho sản xuất trong mùa cao điểm cũng có thể khiến một số nhà đầu tư huỷ kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) được dự báo sẽ đem lại một số tác động nhất định. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành nghị quyết chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia từ ngày 1/1/2024. Như vậy, các công ty có doanh thu trên 750 triệu Euro đang được hưởng ưu đãi của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15%.

Thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm chậm lại dòng chảy vốn FDI, nhưng ở khía cạnh khác, nếu thủ tục đơn giản, đầy đủ, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp thì vẫn hấp dẫn nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)

Theo MBS, chính sách ưu đãi thuế (miễn thuế, giảm thuế) của Việt Nam sẽ mất tác dụng. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn đầu tư quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến chiến lược thu hút đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; khi các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản công nghiệp đều tận dụng đòn bẩy từ các chính sách ưu đãi thuế quan của Việt Nam để kêu gọi, thu hút khách thuê là các doanh nghiệp nước ngoài.

Do vậy, GMT có thể làm chậm lại dòng chảy vốn FDI, giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường bất động sản công nghiệp. Nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao mà Chính phủ đang hướng đến như sản xuất chip, chất bán dẫn, xe điện…

Đưa ra góc nhìn khác về GMT, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích: Một mặt, thuế tối thiểu toàn cầu làm cho hoạt động đầu tư phải có sự thay đổi, khác đi. Trước đây, chúng ta cứ lợi dụng ưu đãi thuế và coi đó là "cứu cánh" để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi được lấy ý kiến đã nói rằng, ưu đãi thuế không phải là tiêu chí hàng đầu, không phải vấn đề chính mà họ quá quan tâm khi quyết định có đầu tư vào một quốc gia hay không. Thay vào đó, họ chủ yếu để ý tới môi trường đầu tư. Các thủ tục cần đơn giản, đầy đủ, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nếu thấy ổn thì nhà đầu tư sẽ đưa ra quyết định.

Mặt khác, mức thuế suất 15% là áp dụng cho tất cả các nước, điều này thậm chí còn tạo thuận lợi hơn cho Việt Nam. Chưa kể còn có những quốc gia được gọi là thiên đường về thuế, ưu đãi thuế suất của Việt Nam không thể cạnh tranh được với họ.

"GMT là cơ hội giúp Việt Nam gia tăng nguồn thu do các nhà đầu tư phải đóng thuế ở mức tối thiểu 15%. Quy định mới sẽ giúp chúng ta có điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng, thực hiện các ưu đãi theo những cách khác cho doanh nghiệp", ông Thịnh chia sẻ.

Hiện Tổng cục Thuế được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Dự kiến, trong tháng 9/2024 sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ và ban hành Nghị định trong tháng 10/2024./.

Theo Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-manh-me-doi-dien-voi-tac-dong-cua-thue-toi-thieu-toan-cau-202240825192515085.htm