Theo Bộ Công thương, Thông tư 20 được ban hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và qua 5 năm thực hiện, đã chứng minh được tác dụng của mình, triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm với NTD và với xã hội của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô.
Đơn vị này còn cho hay: Thông tư 20 cũng không bị bất kỳ Thành viên WTO nào phản đối. Không những thế, Thông tư 20 còn được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ủng hộ bởi từ khi Thông tư 20 ra đời, thị trường ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã trở nên trật tự và nề nếp hơn, quyền được an toàn của NTD và của toàn xã hội được bảo đảm hơn.
Do đó, về nội dung cơ bản của báo cáo, Bộ Công thương cho rằng: Để thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất.
Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ GTVT, không phải Bộ Công Thương và quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu.
Một điểm bất cập nữa được nêu trong báo cáo của Bộ Công Thương là, Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, v.v...
Theo phản ánh của báo chí, đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20. Các tiêu cực dạng này không thể khắc phục được bằng Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng, chỉ có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các quy định trong nước mà cụ thể là tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện.
Như đã trình bày, Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Với các phân tích trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đồng ý với việc bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ GTVT ban hành chính thức có hiệu lực.
Đồng thời, giao Bộ Công Thương, căn cứ các quy định của pháp luật cạnh tranh, giám sát hoạt động nhập khẩu, phân phối ô tô tại Việt Nam để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, Bộ này cũng đề nghị không rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Thời gian qua, Thông tư 20 đã gây ra những tranh cãi khá gay gắt với quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống mới nguyên chiếc phải có giấy uỷ quyền chính hãng của nhà sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng.
Trong khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) và các hãng xe cho rằng Thông tư 20 là cần thiết, thì các nhà nhập khẩu không chính hãng cùng hàng loạt các cơ quan như Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp, VCCI, Tổng cục Hải quan đều cho rằng cần bãi bỏ Thông tư này, với lý do Thông tư tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho các doanh nghiệp lớn.