Định vị ở nơi khó nhất thế giới để có tấm thẻ toàn cầu
Theo tiết lộ từ tờ Bloomberg, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã cấp chứng chỉ cho sản phẩm điện thoại mang thương hiệu của nhà mạng AT&T do VinSmart sản xuất, đồng nghĩa với việc sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn của thị trường được phép bán ra thị trường nước này.
Trước thông tin trên, ông Nguyễn Ngọc Đạt (Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Di động Việt) nhận định, Mỹ là một thị trường công nghệ màu mỡ với quy mô dân số lớn và là đặc trưng "xã hội tiêu dùng" hiếm nơi có. Nhưng ngược lại, đây cũng là nơi thách thức các hãng công nghệ khi đòi hỏi nhiều chứng chỉ quốc tế từ nhỏ đến lớn, như: Chứng chỉ đảm bảo về giao thức mạng; Chất lượng sóng vô tuyến, đảm bảo không ảnh hưởng tới cơ thể con người; Chứng chỉ an toàn với thiết bị sử dụng pin; Báo cáo thành phần độc hại.
Vượt qua “cửa ải” này đã khó, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cơ bản. Muốn trở thành đối tác của các nhà mạng tại Mỹ, nhà sản xuất còn phải đáp ứng thêm một loạt chứng chỉ của riêng nhà mạng, trong đó tiêu chuẩn của các nhà mạng lớn như AT&T được cho là nghiêm ngặt nhất.
Vì thế, theo ông Đạt, VinSmart đã đặt mục tiêu rất thách thức với độ khó cao. Kết quả đăng tải công khai trên website của FCC cho thấy, sản phẩm của VinSmart đã “vượt vũ môn” thành công. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm điện thoại thông minh do Việt Nam sản xuất có đủ điều kiện lên kệ trên đất Mỹ.
"Đó là minh chứng cho năng lực của VinSmart, là bước đi chiến lược để định vị mình ở thị trường khó tính nhất thế giới, trên một sân chơi nổi tiếng là cái nôi công nghệ cao", ông Nguyễn Ngọc Đạt nói.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Đức Minh (Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá, với việc đạt tiêu chuẩn của nhà mạng lớn ở Mỹ, điện thoại do VinSmart sản xuất – dù dưới bất kỳ thương hiệu hay tên gọi nào - đã được bảo chứng về chất lượng ở mức tốt nhất và hoàn toàn có thể bán được ở bất kỳ đâu trên thế giới.
"Với một nhà sản xuất công nghệ cao thì quan trọng nhất chính là chứng minh được năng lực làm chủ công nghệ, chất lượng của sản phẩm. Kết quả tích cực mà VinSmart có được từ Mỹ sẽ dội về Việt Nam và cả các nước khác, cho thấy chất lượng sản phẩm của hãng này thực sự tốt và sẽ được thị trường đón nhận nhiều hơn nữa", vị chuyên gia lên tiếng.
Thế giới sẽ thay đổi cách nhìn về ngành sản xuất công nghệ cao của Việt Nam
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Đức Minh, việc sở hữu một dây chuyền đồng bộ, từ nghiên cứu phát triển, thiết kế tới sản xuất cho phép VinSmart cho ra đời những sản phẩm tối ưu và có thể chủ động cải tiến sản phẩm theo nhu cầu, thói quen người dùng. Đó là cơ sở vững chắc cho những bước tiếp theo khi VinSmart không chỉ bắt tay với 1 nhà mạng Mỹ mà có thể là nhiều ông lớn với những sản phẩm của riêng mình.
Ông Công Tiến Dũng, Giám đốc kinh doanh Hoàng Hà Mobile cũng có niềm tin ấy. "Tôi nghĩ rằng VinSmart sẽ chinh phục được thị trường Mỹ. Sản phẩm Việt đạt tiêu chuẩn, chất lượng hàng đầu, giá cả tốt thì dần dần, thị trường sẽ phát sinh nhu cầu ngày một lớn với điện thoại VinSmart. Tại sao chúng ta không thể vượt qua những đối thủ khác tại Mỹ như đã làm ở Việt Nam?", vị này nói.
Đồng tình với nhận định về hướng đi chinh phục thị trường khó trước của VinSmart, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng bày tỏ, ông không bất ngờ về kết quả của hãng điện thoại Việt. Với sự đầu tư quy mô lớn, năng lực tốt, dây chuyền sản xuất hiện đại từ khâu thiết kế, sản xuất tới kiểm thử, bất cứ bài test nào cũng sẽ không làm khó được VinSmart.
Ở góc nhìn rộng hơn, TS Mai Liêm Trực cho rằng, với VinSmart, cái nhìn của thế giới về Việt Nam sẽ thay đổi, từ nơi "một con ốc cũng không làm ra" sang một nước với nền sản xuất công nghệ cao. Với người đi đầu như VinSmart, theo ông, Việt Nam có quyền hi vọng về một ngày không xa, không chỉ Việt Nam mà người dùng thế giới sẽ háo hức chờ đợi sự ra mắt của những mẫu Vsmart mới, tương tự như những gì đang diễn ra với Apple hay Samsung.
VinSmart đang bước những bước đầu tiên trong hành trình ấy. Ít nhất, tới thời điểm này, hãng điện thoại của Việt Nam đang bước đi những bước vững chắc và khiến cộng đồng thán phục.
Đó sẽ là hiệu ứng lan tỏa cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam về một triết lí cũ nhưng luôn mới: Nếu đủ khát vọng, dám đối đầu thử thách, dám đầu tư tâm sức, trí tuệ, nguồn lực để vượt qua những thử thách ấy, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, trong bất kì lĩnh vực nào, cũng có thể làm nên những điều lớn lao.