Sáng ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư và cả người dân có nhu cầu mua nhà ở. Tại hội nghị, hàng loạt các doanh nghiệp đã kiến nghị NHNN cho phép cơ cấu nhóm nợ, giảm lãi suất, nới room tín dụng... Tuy nhiên, những kiến nghị này liệu có khả thi? Đâu là những kiến nghị hợp lý?
Trả lời những câu hỏi này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM.
PV: Tại Hội nghị công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định lại, NHNN không siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản mà chỉ đang kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa giảm thiểu được rủi ho hệ thống cho ngân hàng?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, NHNN đã làm đúng trách nhiệm của mình, nhưng cũng cần làm tốt hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vì thực tế, họ đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản.
Cụ thể, NHNN cần có những tín hiệu đối với ngân hàng thương mại (NHTM) để cùng các doanh nghiệp bất động sản giải quyết khó khăn về thanh khoản trước mắt như giãn nợ, giảm nợ hoặc có các chính sách giảm lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp này. Giúp các doanh nghiệp bất động sản cũng là giúp chính hệ thống NHTM trong tương lai vì hơn 80% tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản.
PV: Bản chất kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản là gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Bản chất rủi ro bất động sản đến từ rủi ro thanh khoản và rủi ro về kỳ hạn. Cụ thể, rủi ro thanh khoản là khi thị trường đóng băng sẽ khiến các doanh nghiệp không bán được hàng để thu hồi vốn và nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh toán và ngân hàng sẽ phải hứng chịu nợ xấu.
Thông thường những khoản vay bất động sản có kỳ hạn dài, trong khi vốn ngân hàng lại chủ yếu là vốn ngắn hạn. Vì vậy, nếu ngân hàng cho vay kỳ hạn dài quá nhiều thì có thể gặp khó khăn khi lãi suất tăng cao và thanh khoản trong nền kinh tế sụt giảm. Đây được gọi là rủi ro kỳ hạn.
Chính vì vậy, NHNN kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản là đang kiểm soát rủi ro thanh khoản và rủi ro kỳ hạn.
PV: Bên cạnh việc khó tiếp cận các khoản vay tín dụng, các doanh nghiệp địa ốc cũng bày tỏ lo lắng với vấn đề nhảy nhóm nợ. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn NHNN có các chính sách hỗ trợ trong việc cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nợ. Ông có cho rằng, bối cảnh thị trường đang khó khăn như hiện tại, việc cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nhóm nợ hay hoãn, giãn nợ là cần thiết?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Như chia sẻ ở trên, tôi cho rằng, việc cơ cấu hay giãn, hoãn nợ là hết sức cần thiết. Các NHTM cần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản vì đây là mối quan hệ cộng sinh. Nếu doanh nghiệp bất động sản phá sản thì ngân hàng cũng sẽ không tránh khỏi nợ xấu.
"Việc cơ cấu hay giãn, hoãn nợ là hết sức cần thiết. Các NHTM cần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản vì đây là mối quan hệ cộng sinh. Nếu doanh nghiệp bất động sản chết thì ngân hàng cũng sẽ không tránh khỏi nợ xấu".
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM
Ngoài ra, còn phải xem xét hỗ trợ về lãi suất các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp bất động sản để giảm bớt áp lực lãi vay trong thời điểm hiện tại. Có như vậy, các doanh nghiệp bất động sản mới có khả năng để vượt qua giai đoạn “sống còn” này.
PV: Thống đốc NHNN cho biết, năm 2023 dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ khoảng 14 - 15%. Đây có phải mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng, đây là mức tăng phù hợp và chưa chắc nền kinh tế sẽ sử dụng hết room tín dụng này. Bởi vì hiện tại, mức lãi suất đang quá cao nên sẽ khó để người dân hay doanh nghiệp sẵn sàng đi vay nhằm tái đầu tư sản xuất, tiêu dùng. Các khoản vay hiện tại chủ yếu để bù đắp thanh khoản là chính hoặc có vay thì cũng vay ở mức tối thiểu để không bị gánh nặng lãi vay cao.
PV: Theo nhìn nhận của ông, tại sao NHNN vẫn lựa chọn tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi không hẳn đồng tình với việc tiếp tục sử dụng room tín dụng, bởi cơ chế cấp room tín dụng hiện nay không thực sự rõ ràng các tiêu chí, cũng như việc phân biệt giữa các ngân hàng với nhau về vấn đề này. Nhưng có vẻ đây là công cụ dễ dàng để NHNN kiểm soát dòng tiền từ hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.
PV: Hiện nhiều ngân hàng đã có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất, tuy nhiên xét từ các yếu tốt vĩ mô, liệu có khả năng lãi suất sẽ giảm mạnh trong thời gian tới không, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất thì sẽ khó để Việt Nam có thể giảm mạnh lãi suất vì nó sẽ tác động ngay đến tỷ giá. Chính vì thế, theo tôi thời gian tới lãi suất sẽ giảm nhưng không mạnh và tùy theo tình hình cán cân thanh toán và tỷ giá Việt Nam có ổn định hay không. Nếu cán cân thanh toán liên tục dương thì NHNN sẽ bắt đầu mua USD vào để tăng dự trữ ngoại hối và bơm tiền đồng ra nền kinh tế.
PV: Ngân hàng Nhà nước đã có một số yêu cầu chi tiết đối với các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cùng với đó là thể hiện rõ quan điểm, không siết tín dụng đổ vào bất động sản. Đây có phải sẽ là tín hiệu tích cực để doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này có cơ hội hy vọng vào khả năng khơi thông dòng vốn, giúp thị trường hồi phục?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi nghĩ cần chờ động thái thực sự của NHNN và các NHTM. Đặc biệt các quyết định này phải hiện thực hóa thành văn bản và giải pháp cụ thể, rõ ràng thì lúc đó chúng ta mới có thể tự tin hy vọng vào thời điểm thị trường hồi phục trong tương lai gần.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://reatimes.vn/ts-nguyen-huu-huan-giup-cac-dn-bds-la-cung-la-giup-nhtm-20201224000017513.html