Trong khoảng 8 năm trở lại đây, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát mức lạm phát dưới 4%, kể cả trong 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, sự leo thang của giá xăng dầu và các loại hàng hóa, cộng với sức cầu phục hồi khi mở cửa lại nền kinh tế và đặc biệt là du lịch - dịch vụ, bối cảnh thế giới thêm xáo trộn với xung đột Nga - Ukraine... đã có những quan ngại lớn hơn về lạm phát và tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, so với thời điểm trước xung đột Nga - Ukraine, có thể nói lạm phát của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại đã đi vào "khúc quanh" mới. Áp lực sẽ không đơn giản chỉ là các yếu tố phục hồi trong nước, đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh mà sẽ nặng nề hơn nhiều.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc hàng loạt các lệnh cấm vận được ban hành với Nga sẽ tạo hiệu ứng về mặt khan hiếm hàng hoá rất lớn, ảnh hưởng tới tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nếu tính trạng này tiếp tục kéo dài, khủng hoảng, lạm phát sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này có thể khiến các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động.
Và một điều dễ nhận thấy nhất là khi lãi suất tăng sẽ là “mối nguy tiềm ẩn” ảnh hưởng tới thanh khoản cũng như dòng tiền đầu tư của các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Bởi đây là kênh đầu tư sử dụng đòn bẩy nợ vay rất lớn. Việc tăng lãi suất huy động sẽ khiến lãi suất cho vay cũng đi lên theo nguyên lý “nước lên thuyền lên”, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng như người dân.
“Nếu tăng lãi suất, doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro nhất. Vì bản thân doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, bản thân người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này sẽ chịu tác động kép”, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Công ty Bất động sản Sơn Nga cho biết.
Trong quá khứ, thị trường nhà đất từng nhiều lần chịu ảnh hưởng tiêu cực trong mỗi chu kỳ lãi suất đi lên với giai đoạn đầu thường có hiện tượng nhiều nhà đầu tư vì không chịu nổi áp lực nên phải bán cắt lỗ nhanh, rồi sau đó thị trường sẽ rơi vào giai đoạn trầm lắng, đóng băng trong suốt thời gian dài.
Cần phải nhắc lại rằng, 3 năm gần đây các ngân hàng đã mạnh tay triển khai các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi trong 1 - 2 năm đầu, thu hút nhiều người vay vốn để mua nhà, đầu tư bất động sản. Sau thời gian này, lãi suất thả nổi trong bối cảnh xu hướng lãi suất có thể tăng trở lại sẽ khiến áp lực tài chính tăng lên, khi thu nhập nhiều người trong 2 năm trở lại đây đã bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Lạm phát tăng nhanh cũng có thể ảnh hưởng tới tiến độ một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Hệ quả là giá cả của những dự án bất động sản, nhà đất tại các khu vực trước đây được đánh giá sẽ hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng thì nay sẽ bị ảnh hưởng theo, thậm chí rơi vào thời kỳ trầm lắng kéo dài./.
Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-bds-bien-dong-neu-cac-ngan-hang-tang-lai-suat-20201224000010538.html