Nhiều chuyên gia từng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Bởi hơn ai hết, doanh nghiệp là động lực và hạt nhân của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường (UNDP) khẳng định, các thách thức về ô nhiễm nhựa sẽ không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp. Bởi thực tế cho thấy, những cam kết giảm thiểu lượng rác thải nhựa của doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao uy tín thương hiệu, thể hiện trách nhiệm với Trái đất. Ở một mặt nào đó, tái chế đang mở ra một ngành kinh tế mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các doanh nghiệp, thương hiệu lớn hoàn toàn có đầy đủ nguồn lực, chuyên môn để phát triển công nghệ mới và vật liệu thay thế. Có thể nói, nếu tuyên truyền để người dân không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần chỉ là giải quyết phần ngọn thì việc các doanh nghiệp không cung cấp nhựa dùng một lần chính là đang giải quyết phần gốc. Bởi họ sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Cách đây không lâu, để hưởng ứng Ngày không túi nylon tại Việt Nam năm 2023, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã có những hành động thiết thực để hạn chế rác thải nhựa. Theo đó, Tập đoàn TH khẳng định, doanh nghiệp này đã thực hiện hàng loạt các giải pháp thay thế túi nilon, ống hút nhựa, thìa nhựa dùng một lần. Họ đã sử dụng vật liệu thay thế chính là nhựa sinh học thân thiện với môi trường. TH đã giảm ½ thìa nhựa và hướng tới cắt giảm 100%. Tổng lượng nhựa mà TH đã giảm thải được từ nỗ lực này lên tới khoảng 40 tấn/năm.
Tương tự, AEON Việt Nam là một trong những chuỗi siêu thị lớn đang kinh doanh tại Việt Nam. Các quầy thu ngân của chuỗi siêu thị này ưu tiên sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía... tại khu vực ẩm thực tự chọn. Đặc biệt, tại khu vực siêu thị của tất cả các Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON trên toàn quốc, 100% túi mua sắm dành cho khách hàng đều là túi nylon phân hủy sinh học...
Cũng giống như TH, một thương hiệu sữa lớn tại Việt Nam là Vinamilk cũng đã tiên phong thực hành “kinh tế tuần hoàn” với 3 định hướng chính: Giảm và sử dụng tối ưu lượng vật liệu sử dụng trong sản xuất; Nâng cấp và thay thế vật liệu thô bằng các vật liệu thân thiện với môi trường; và Tăng cường tái sử dụng, tái chế. Có thể nói, các định hướng này cũng tương đồng với một khái niệm khá quen thuộc và phổ biến hiện nay trên thế giới đối với việc bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa là 3REs: Reduce, Reuse, Recycle (Giảm sử dụng – Tăng sử dụng lại – Tái chế).
Đại diện Vinamilk chia sẻ: “Vinamilk đã đang nghiên cứu ứng dụng các vật liệu nhựa có khả năng phân hủy vi sinh toàn toàn ở điều kiện ủ thông thường (home compostable). Bên cạnh đó, chúng tôi nghiên cứu ứng dụng các vật liệu thay thế nhựa thông thường ví dụ vật liệu có khả năng tái tạo như giấy; gỗ; vật liệu nhựa từ tinh bột. Ngoài ra, Vinamilk cũng sử dụng bao bì có thể tái chế toàn bộ và được chứng nhận FSC - chứng nhận sản phẩm mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội”.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cac-thuong-hieu-lon-the-hien-vai-tro-tien-phong-trong-viec-han-che-rac-thai-nhua-79483.html