Có Tết thì có lễ Tết. Trong lễ Tết thì lễ giao thừa rất quan trọng. Đến nay, dân tộc đã đi qua sau gần 5000 năm, tuy thế, vì nghiệt ngã của chiến tranh xâm lược từ phương Bắc và những thăng trầm lịch sử mà những điều thuộc về lễ đã bị biến dạng. Văn hóa của tổ tiên chúng ta qua mấy ngàn năm hoàn thiện, truyền lại, đã bị mất mát đi nhiều.

Lễ là để tạo ra sự chân thành sâu lắng cần cho việc sửa mình. Sửa mình là để giao tiếp với người thành công. Và giao tiếp được với người trong lễ mới sửa được người thuận với mình.

Nhưng nay, lễ là một giá trị rất lớn trong sinh hoạt văn hóa của người Việt chỉ còn lại là sự tùy tiện, ai hiểu sao thì làm vậy. Và tai hại hơn hết, gần đây vì sự quay lại với lễ, với đức tin vào đời sống tín ngưỡng, sự nổi lên của một bộ phận các thầy gọi là phong thủy, càng làm biến dạng một cách đáng báo động về đời sống tín ngưỡng của người dân.

Từ những năm tháng bỏ đi, từ những tháng ngày quên lãng, từ những nhận thức ấu trỉ về lễ về tín ngưỡng và tôn giáo một thời đến khi trở lại, dựng lại niềm tin đã mất chúng ta đã xây nó trên một cái nền – của các bà già truyền miệng. Tai hại là ở đó truyền đi.

Cách bày mâm cỗ giao thừa

Cách 1:

Cách bày bàn lễ

Đây là cách đúng khi thiết một mâm lễ, đó là bao giờ cũng phải có ban thượng và ban hạ. Ban thượng dành cho Thần linh, vị Thần chính trong lễ mình muốn cúng. Ban hạ là những tùy tùng bộ hạ của vị thần đó.

Có thể để một cái bàn lớn trong nhà thường dùng, đặt lên đó một cái mâm nhôm hoặc mâm đồng kê dưới 3 cái chén làm chân, thế là chúng ta có một ban thượng. Những thứ đặt trên bàn, dưới và quanh cái mâm là ban hạ.

Nơi đặt bàn lễ

Tục xưa của cha ông chúng ta, Tết đến, cúng giao thừa chính là cúng lễ “tống cựu nghinh tân”.

Người Việt quan niệm đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Nhất nhất vạn vật đều có chủ, nghĩa là có một vị thần cai quản, làm chủ. Vận hành năm tháng bốn mùa cũng có vị thần. Vì vậy mâm lễ phải đặt ngay trước thềm hiên nhà, ngay chính giữa và mặt xây ra ngoài trời.

Cách bày lễ vật.

Lễ vật của giây phút giao thừa tuyệt đối không được dùng lễ mặn. Chúng ta muốn trời đất giao hòa, chúng ta muốn có vượng khí, chúng ta muốn có sự linh diệu cát tường, thì phải tránh ngay chuyện máu thịt động vật tế lễ.

Thứ nhất, ở nơi đâu có máu xương loài vật và sự chết chóc thì chỉ hấp dẫn ác quỷ và hung thần nhiễu hại. Hãy nhớ điều đó.

Thứ hai, giờ khắc trời đất chuyển giao, là thời khắc thuộc về thanh khí. Đó là lúc năng lượng của khí đang đi lên -hướng thượng, rất tốt để hấp dẫn điều cát tường như ý. Bụt Thích Ca Mâu Ni cũng trong khoảng thời khắc khi sự chuyển giao đã lên đến điểm cân bằng, đó là lúc sao mai vừa lộ mà đạt đến trạng thái giác ngộ. Giữa nhân gian có trược khí và thanh khí, có chiều hướng thượng và hướng hạ. Vì vậy lễ vật là tuyệt đối thanh khiết.

Thứ ba, ai cũng biết câu chuyện cây nêu. Trong câu chuyện cây nêu nói lên việc quỷ ăn rau củ. Và người Việt nhờ Bụt mới đuổi được quỷ ra biển Đông. Và dưới sự van xin của quỷ, con người có thương lượng với quỷ một năm chỉ cho phép quỷ được trở lại vào dịp tết để thăm viếng, nhưng nhìn thấy nơi nào có dấu hiệu cây nêu thì không được đặt chân đến phá hoại.

Ban thượng gồm có 1 đĩa trái cây (5 loại có 5 màu, trái cây gần gũi với vườn quê Việt), 1 đĩa hoa, 3 đĩa chè 2 đĩa xôi loại nhỏ, 2 cốc nước trong, 2 cốc, rót rượu và trà. 1 đĩa cau trầu. 12 ngọn nến nhỏ (nến để trong cái cốc để không bị gió thổi tắt). 1 cốc để gạo dùng làm bát hương thắp. Hương 3 nén, 5 nén, 12 nén hoặc 18 nén.

Ban hạ cũng gồm như trên, có thêm 2 đĩa muối gạo, thêm bánh trái và hoa quả nhiều hơn. Đây là mâm cho những vị tùy tùng bộ hạ của thần linh.

Cách 2:

Tất cả là tùy thuộc ở tấm lòng thành và tùy nghi không gian nhà mình. Chỉ có một ban. Nhưng nhớ để cao, không được để trên 1 cái ghế thấp sơ sài quá.

Lễ gồm 1 khay lớn để nải chuối và 5 loại hoa quả trên đó đặt chính giữa. 1 đĩa hoa, 1 đĩa quả, 1 cốc nước trong, 1 cốc rượu, 3 chén chè 2 đĩa xôi, thêm bánh kẹo tùy ý, 1 cốc gạo thay làm bát hương. 12 ngọn nến, 1 đĩa cau trầu. Có thể cắm hương vào trên mâm quả, hoặc xông trầm thơm.

Theo Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/le-giao-thua-cach-bay-le-va-van-so-khan-nguyen-33047.html