Cách giặt
Áo len hay bị co giãn và sờn màu nên để tránh những tình trạng áo bị co bạn nên giặt tay, không nên giặt bằng máy giặt, dùng nước ấm (không quá 30 độ C) để giặt. Ở lần giặt cuối cùng, bạn pha một ít giấm sẽ giữ được độ đàn hồi và màu sáng vốn có của áo len, đồng thời có thể trung hoà lượng kiềm của xà phòng còn sót lại.
Nếu muốn chiếc áo len của mình có màu sắc luôn tươi mới và bền lâu, bạn nên ngâm trong nước trà nguội khoảng 15 phút, vò nhẹ vài lần rồi dùng nước giặt sạch. Giặt xong, bạn vắt nhẹ tay bằng cách bóp từ đầu này đến đầu kia của áo cho bớt nước, không nên xoắn vặn sợi len.
Đối với áo len, sợi: Tốt nhất bạn nên giặt bằng nước không có chất vôi, song thông thường nước máy hay nước giếng đều có nhiều chất vôi. Muốn thử vôi đọng lại trên đồ len, bạn hãy thêm vào nước xả cuối cùng một muỗng canh giấm cồn, không màu.
Đối với khăn quàng cổ: Để giữ cho khăn quàng cổ không bị bạc màu, sau khi giặt xong, hãy cho một ít giấm vào nước xả sau cùng. Sau đó, trải nó giữa hai tấm khăn lông khô, ráo nước, đem phơi chỗ thoáng gió, mát.
Ngoài ra để tẩy chất dơ như dầu mỡ khi dính vào áo len bạn hãy nhỏ vào vết dơ đó vài giọt Éther hoặc Benzine rồi đặt chỗ vết dơ đó úp xuống một lớp vải thật sạch, dùng bàn chải mềm chà mạnh ở mặt trái, vết dơ sẽ thấm vào vải và biến mất ở hàng len. Còn với vết bẩn như bùn đất, hãy lấy vải mềm hay bông gòn nhúng nước lạnh có pha giấm lau nhẹ lên chỗ vết dơ.
Với các vật dụng đan móc kết hợp xỏ hạt (túi, ví trang điểm kết cườm, doily...): nên cho vào một túi voan mỏng - loại túi dùng để giặt đồ underwear. Sau đó giặt tay bằng nước ấm. Nếu cần ủi, vẫn để sản phẩm trong túi và ủi lên trên, tránh tình trạng cọ xát sẽ làm rơi rớt các hạt.
Cách phơi
Nếu treo quần áo len lên móc, áo sẽ bị biến dạng. Để khắc phục, giặt xong không nên vắt nước mà cuộn lại trong một chiếc khăn để vắt, rồi trải áo ra trên một mặt phẳng và phơi khô bình thường, hoặc cho áo vào trong túi lưới treo nơi thoáng gió, tránh để áo vặn xoắn hoặc phơi ở nơi có ánh mặt trời gay gắt.
Cách treo áo
Nếu muốn chiếc áo len giữ được dáng, bạn không nên treo áo lên móc, dù nó còn ướt hay đã khô.
Bạn nên gấp và xếp đồ len gọn gàng và bỏ vào tủ theo hướng dẫn sau: Trải chiếc áo len úp xuống, gấp hai cánh tay vào ngang ngực. Gấp một bên mép áo vào chính giữa.
Gấp bên kia mép áo vào sao cho cạnh của hai ống tay chạm ở chính giữa. Gấp nửa dưới lên một lần hoặc hai lần tùy thuộc vào chiều dài của áo. Sau đó lật ngược áo lại.
Nếu không dùng đồ len trong thời gian dài, bạn nên giặt sạch, gấp gọn gàng và xếp vào tủ. Để khăn giấy sạch xen kẽ các lớp áo và xung quanh tủ. Khăn giấy sẽ hút ẩm và bụi bẩn, giúp đồ len sạch hơn.
Chống co rút áo len
Nếu muốn áo len không bị co, hãy dùng nước ấm (cỡ 30 độ C) để giặt. Khi xả nước cuối cùng, hãy pha vào một ít giấm, áo sẽ giữ được độ đàn hồi cũng như màu sáng vốn có, đồng thời có thể trung hòa lượng kiềm của xà bông còn sót lại trên áo.
Xử lý áo len bị chảy giãn
Áo len dù có giặt kỹ nhưng mặc lâu thường bị chảy và trở nên rộng hơn, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của áo. Để áo trở về hình dáng ban đầu, bạn hãy ngâm áo vào nước ở nhiệt độ từ 70 đến 80 độ C.
Nếu ống tay áo hay gấu áo mất tính co giãn, hãy ngâm riêng chỗ đó vào nước ở nhiệt độ từ 40 đến 50 độ C. Khoảng một đến hai tiếng sau, mang áo ra phơi, áo len sẽ được phục hồi như mới.
Làm mới áo len
Để làm mới quần áo len, không thể dùng chất tẩy thông thường mà hãy chuẩn bị một dung dịch gồm: 5 lít nước, 250 gr xà bông, 15 gr amoniac, 15 gr tinh dầu thông.
Cho xà bông vào nước đun sôi, khi xà bông tan hết, nhắc xuống, cho amoniac, nhựa thông vào rồi khuấy đều. Chờ khi vừa nguội, nhúng quần áo len vào khoảng 5 phút, vò nhẹ mà không vắt, làm đi làm lại nhiều lần rồi xả lại bằng nước sạch.
Cách làm này sẽ làm quần áo len sáng như mới mà không làm tổn hại đến chất liệu sợi len.
Làm mất vết sờn bóng
Áo len mặc lâu, cọ sát nhiều thường hay bị sờn. Muốn vết sờn biến mất, nên hòa nước với giấm theo tỷ lệ 1/1, phun lên chỗ bị sờn. Sau đó đem áo đi giặt, sợi len sẽ phục hồi trạng thái ban đầu.
Quần áo len sau lần giặt đầu sẽ bị co nhưng mặc lâu ngày lại bị chảy giãn, mất dáng. Do đó, khi giặt hay phơi áo len, bạn phải hết sức lưu ý.
Một số lưu ý đặc biệt với áo len:
- Đối với len lông dê (len cashmere): Yêu cầu giặt khô. Chỉ ủi khi thật sự cần thiết. Chú ý đặt khăn lông sạch, mỏng, nhẹ lên trên sản phẩm rồi mới ủi, không để bàn ủi chạm trực tiếp vào len.
- Khuỷu tay áo len và áo nhung thường bị mài sờn và rách hỏng trước. Trước khi mặc bạn may kèm vào bên trong một miếng vải bít tất ni lông cũ. Bạn sẽ thấy áo mình bền hơn mà không ảnh hưởng gì tới dáng áo.
- Hãy sử dụng bàn chải đánh răng của trẻ em với các sợi lông mỏng và mềm mại để loại bỏ dễ dàng bất kỳ mảnh xơ vải hoặc gàu trên da đầu nào bám vào chiếc áo len của bạn.
- Hãy dùng một viên đá bọt để loại bỏ tình trạng xù lông của chiếc áo len.
- Để tránh cho áo len bị gián hoặc côn trùng cắn rách, bạn hãy cất giữ nó ở ngăn tủ có lót giấy ướp hương lavender bán sẵn hoặc một chiếc túi đựng chất chống mối mọt tự nhiên.
- Hãy cho chiếc áo vào một chiếc túi nilon có khóa kéo kín, rồi để vào ngăn đá tủ lạnh 3 - 4 tiếng trước khi mặc. Việc này sẽ giúp chiếc áo len của bạn tránh bị bai dão cũng như tiêu diệt bất kỳ mối mọt bào bám vào len.
- Dùng bình xịt phun một chút rượu vodka vào áo len sẽ giúp bạn diệt khuẩn cũng như loại bỏ mùi hương không mong muốn bám dính vào áo len của mình. Rượu vodka sẽ không lưu lại mùi đặc trưng trên áo của bạn.