Cách phòng dịch bệnh sau mùa mưa lũ 

Các chuyên gia y tế cho biết, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, dịch trong bão lụt và mưa lũ.

Phòng chống dịch bệnh sau mùa mưa lũ (Ảnh minh họa)

Bệnh tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn... thường gia tăng đáng kể sau mưa bão. Nguyên nhân là do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Ngoài ra, những bệnh này cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh. Các triệu chứng cơ bản thường gặp của những bệnh này là đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp...

Vì vậy, người dân cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa... thật sạch sẽ để vi khuẩn gây bệnh không có cơ hội sinh sôi, phát triển.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mưa bão.

Bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó, bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa bão, các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát triển mạnh. Điển hình là bệnh sốt xuất huyết. Bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Mùa mưa bão hàng năm đồng thời cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi. Vì vậy cần có biện pháp cho bệnh sốt  xuất huyết.

Bảo vệ tránh không bị muỗi đốt: ngủ màn ban ngày, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), mặc quần áo dài tay, dùng kem thoa chống muỗi.

– Diệt muỗi và loăng quăng:

– Phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ như dây treo, quần áo, chỗ tối.

– Diệt loăng quăng: Đậy nắp thùng chứa nước, súc rửa chum vại thường xuyên, dọn chỗ đọng nước trong và quanh nhà, thả cá bảy màu ăn loăng quăng.

Phòng các bệnh về da

Phòng các bệnh về da (Ảnh minh họa)

Nấm da

Sau mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Vị trí thường nhiễm nấm là nấm kẽ ngón chân, nấm bẹn, nấm thân mình...

Nấm kẽ chân là tình trạng nhiễm nấm ở da vùng kẽ các ngón chân, thường gặp ở kẽ ngón 4 và 5. Lớp sừng của da chứa nhiều keratin, là nguồn dinh dưỡng ưa thích của vi nấm sợi tơ. Vi nấm sợi tơ xâm nhập và gây viêm trong lớp sừng của da. Vào mùa mưa lũ, người dầm nước lũ dễ gặp tình trạng nhiễm nấm kẽ ngón.

Nấm bẹn là nhiễm nấm ở da vùng bẹn, làm xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần. Một số người khi xuất hiện các triệu chứng này thường lo lắng mua một số thuốc thoa có chứa corticoid. Tuy nhiên, việc thoa các thuốc này càng làm tình trạng da nặng hơn.

Viêm nang lông

Viêm nang lông có thể do vi khuẩn hoặc vi nấm tấn công. Nang lông bị viêm sẽ sưng đỏ, ngứa và có thể tạo mụn mủ. Thiếu nước sạch để tắm gội là nguyên nhân vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày.

Viêm da tiếp xúc

Đây là bệnh da không lây, đặc trưng với tình trạng da viêm đỏ, có thể xuất hiện các mụn nước, ngứa nhiều. Tiếp xúc với nguồn nước có chứa một số hóa chất, khí độc, vi sinh... gây kích ứng da, dễ dẫn đến bệnh này.

Nhiễm trùng da

Biểu hiện của nhiễm trùng da là da sưng nóng, đỏ, chảy nước, có thể có mủ, loét da. Vết thương có thể đóng mài vàng hoặc nâu, viêm xung quanh. Điều kiện vệ sinh kém, lao động dọn dẹp sau lũ dễ bị tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.

Bệnh ghẻ

Đây là bệnh da do một loại ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra. Bệnh ghẻ biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng da non và ngứa rất nhiều về đêm. Sự dao động thất thường của nhiệt độ và độ ẩm trong mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho ghẻ sinh sôi phát triển.

Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày.

Trong các bệnh da mùa mưa kể trên, một số bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc, vệ sinh tốt. Tuy nhiên đa số các trường hợp cần được điều trị với thuốc uống và thuốc thoa phù hợp để khỏi bệnh hoàn toàn cũng như phòng lây lan.

Theo Gia đình Việt Nam