Dịch COVID-19 kéo dài, nhiều gia đình chọn giải pháp đóng cửa cho con xem ti vi, điện thoại và tin rằng đó là cách tốt nhất để phòng dịch cho con. Tuy nhiên, chính việc này lại khiến trẻ có nhiều nguy cơ bị mệt mỏi, chóng mặt, trầm cảm hoặc xu hướng giao tiếp kích động, bị stress nhiều hơn. Khi trẻ không vận động, cơ thể trở nên trì trệ, lượng mỡ tích tụ trong cơ thể tăng cao… tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tấn công.
Việc cho trẻ dùng nhiều thiết bị điện tử có thể gây ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, bố mẹ không nên cho con ngồi một chỗ trên 120 phút/ngày vì cơ thể của trẻ sẽ trở nên trì trệ. Thay vào đó, bố mẹ cần khuyến khích trẻ vận động và tập thể thao để trẻ phát triển ở khối cơ, xương và tầm vóc. Trẻ cần duy trì tập thể thao thường xuyên tối thiểu 2 - 3 lần/tuần.
Trong thời điểm trẻ ở nhà, bố mẹ cần lưu tâm đến việc sử dụng internet của trẻ. Phương pháp dạy online làm trẻ có xu hướng sử dụng internet quá nhiều. Cần phải trang bị kỹ năng sống cho trẻ, sử dụng mạng xã hội an toàn với các bước đơn giản như: thống nhất về thời gian sử dụng internet, tránh sử dụng internet quá nhiều vào các mục đích giải trí, chơi game. Dạy con có trách nhiệm trên môi trường trực tuyến và khuyến khích trẻ đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động trải nghiệm thực tế.
Theo các khuyến cáo từ Bộ Y tế, trẻ em có thể tập thể thao tại nhà với các môn như yoga, aerobic, Vovinam, nhảy múa.... Nếu tập thể thao ngoài trời, bố mẹ cần hướng dẫn các con chọn nơi có không gian thoáng, sáng, sạch sẽ, với các môn như đá bóng, cầu lông, bóng rổ, đá cầu, hay đạp xe… Vận động sau thời gian học online giúp trẻ giảm stress, ăn ngon hơn và dể tiếp xúc hơn.
Bố mẹ cần khuyến khích trẻ vận độc thể lực hàng ngày để giải tỏa căng thẳng và tăng sức đề kháng cho trẻ (Ảnh minh họa)
Rèn luyện thể thao là một quá trình, phải được thực hiện điều độ, đều đặn và đúng cách mới phát huy tác dụng. Do đó mà bố mẹ cần tạo động lực và thói quen tập luyện cho con, dành thời gian cùng con tập các bài tập thể dục, chơi các môn thể thao, đồng thời thường xuyên động viên, khích lệ con trẻ trong quá trình tập luyện. Điều này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cho cả gia đình, hình thành tấm gương rèn luyện cho con trẻ noi theo mà còn tăng cường sợi dây gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên đời sống tinh thần lạc quan để đẩy lùi bệnh tật.
Ngoài ra, trong thời gian trẻ ở nhà lâu ngày vì không được tiếp xúc với bạn bè trang lứa giống như trẻ bị giảm lỏng. Cho nên các bậc phụ huynh cần phải động viên trẻ, thường xuyên giao tiếp bằng các trò chơi tương tác trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình, hay cho trẻ trực tiếp tham gia vào các công việc nhà như: phụ giúp bố mẹ nấu ăn, dọn dẹp nhà,… để giảm thiểu bớt căng thẳng cho trẻ.