Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát môi trường không khí với 9 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó, quan trọng nhất là đánh giá kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí, đề xuất kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021-2025.
Bởi vậy, trong ngắn hạn và lâu dài, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, trong đó ưu tiên triển khai quan trắc, phân tích, đánh giá, kiểm soát nguồn ô nhiễm bụi mịn.
Chất lượng môi trường không khí có chiều hướng suy giảm
Đánh giá của Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho thấy, từ năm 2018 đến nay, chất lượng môi trường không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc có chiều hướng suy giảm, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Việc kiểm kê khí thải tại thành phố Cần Thơ được công bố năm 2019 cho thấy, lượng bụi phát thải đang chủ yếu từ xi măng, gạch và giấy chiếm 50%, đốt rơm rạ 30%, hoạt động dân sinh chỉ chiếm 6%. Các hợp chất hữu cơ bay hơi không metan (VMVOCs) chủ yếu do khí thải từ mô tô, xe máy chiếm 46%, dệt may do lò hơi sử dụng vỏ trấu, dung môi… chiếm 29%. Khí CO chủ yếu từ khí thải mô tô, xe máy và đốt rơm rạ.
Tại TP.HCM, lượng bụi phát thải đang chủ yếu từ xi măng, gạch và giấy, đốt rơm rạ 30%, hoạt động dân sinh chỉ chiếm 6%. Các hợp chất hữu cơ bay hơi không metan chủ yếu do khí thải từ mô tô, xe máy, dệt may do lò hơi sử dụng vỏ trấu, dung môi… Khí CO chủ yếu từ khí thải mô tô, xe máy và đốt rơm rạ. Tuy nhiên, với dân số đông, lượng bụi ở đây chủ yếu phát thải từ khí thải xe máy và mặt đường khi xe chạy chiếm 37,7%, hộ gia đình chiếm 11,4%.
Khi phân vùng xả thải khí CO, mỗi năm, các quận trung tâm cần giảm một lượng từ 5.000-8.000 tấn/km2. Các quận, huyện phía Tây và Bắc cần giảm khoảng 3.000 tấn/km2. Các quận, huyện phía Đông và Nam có thể tiếp nhận đến 10.000 tấn/km2. Với phân vùng xả thải khí NO2, mỗi năm, các quận trung tâm và quận, huyện phía Tây cần giảm phát thải tới 86 tấn/km2. Các quận, huyện phía Đông và Nam, huyện Củ Chi, Quận 9 và huyện Cần Giờ có thể tiếp nhận được đến 780 tấn/km2.
Tại Hà Nội, hai nhóm nghiên cứu sinh và các cộng sự đang có hướng nghiên cứu mới liên quan đến cơ chế hình thành bụi.
Theo nghiên cứu sinh Trương Thị Huyền (Đại học Saitama, Nhật Bản), khi nghiên cứu đặc trưng thành phần hóa học của bụi PM2.5 và PM0.1 tại Hà Nội theo mùa cho thấy, cacbon hữu cơ và cacbon nguyên tố là thành phần chính - chiếm tới 80% tổng khối lượng các thành phần được phân tích của PM0.1 và đặc điểm của bụi PM0.1 không biến thiên nhiều theo thời gian (theo mùa).
Không chỉ vậy, nghiên cứu thêm về thành phần thứ cấp (được hình thành sau các quá trình biến đổi, khác với bụi sơ cấp do các nguồn thải trực tiếp thải ra), lượng carbon hữu cơ thứ cấp (SOC) chiếm 37-47% tổng lượng carbon hữu cơ trong PM0.1.
Đối với bụi PM2.5, cacbon hữu cơ và cacbon nguyên tố chiếm 56% tổng khối lượng các thành phần được phân tích; Carbon hữu cơ thứ cấp chiếm 36-41% tổng lượng carbon hữu cơ.
Từ các tương quan của các thành phần hóa học, nhóm tác giả đánh giá sơ bộ một cách định tính về các nguồn đóng góp lên bụi Hà Nội, bao gồm khí thải xe máy, đốt than, đốt sinh khối, hoạt động xây dựng và đóng góp của các quá trình thứ cấp.
Nghiên cứu sinh Phùng Ngọc Bảo Anh (Đại học Littoral Côte d’Opale, Pháp) sử dụng phương pháp phân tích mới liên quan đến phép đo bức xạ mặt trời lên các lớp khói mù thường thấy trong mùa Đông ở Hà Nội. Kết quả cho thấy, nồng độ trung bình của bụi PM2.5 trong thời gian đo đạc là 45 μg m-3, nồng độ trung bình ngày cao nhất được ghi nhận là 129 μg m-3.
Đây là lần đầu tiên cấu trúc của lớp cận biên khí quyển được nghiên cứu kỹ lưỡng bằng cách sử dụng phép đo Lidar (là phương pháp đo sử dụng nguyên lý đo cự ly bằng tia laser để thu nhận từ xa hình 3D của đối tượng đo), trong khi trước đây các nghiên cứu ở Việt Nam thường chỉ sử dụng bóng thám không (còn được gọi là bóng bay dự báo thời tiết, là một loại bóng bay được dùng để mang theo các dụng cụ đo thời tiết như đo áp suất khí quyển, nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió) dù khá chính xác nhưng chỉ đo được hai lần một ngày. Đáng chú ý, số liệu cho thấy, lớp cận biên khí quyển trong nghiên cứu vào mùa đông ẩm ở Hà Nội rất thấp (310-890 m). Trong khi ở châu Âu, lớp này là 1,5-2 km.
Tăng cường kiểm soát nguồn thải tại các đô thị trọng điểm
Trong số các địa phương trên toàn quốc, không khí tại Hà Nội và TP.HCM bị tác động nhiều nhất. Bởi vậy, hai thành phố này đã triển khai đồng bộ từ việc ban hành các chỉ thị, quy định và tổ chức các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát các nguồn thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp.
UBND TP.Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển giao thông vận tải công cộng, hoàn thành bản đồ giao thông số trực tuyến, ứng dụng thiết bị kết nối giao thông thông minh, lập đề án thu phí phương tiện giao thông và một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường, phân vùng hạn chế số lượng xe máy.
Cùng với đó, Hà Nội đã có các hoạt động hợp tác với Ngân hàng Thế giới lấy mẫu, phân tích thành phần hóa học của bụi PM2.5 nhằm xác định thành phần ô nhiễm không khí của thành phố; Hợp tác với Tổ chức phi Chính phủ C40 (tổ chức có sự tham gia của hơn 40 quốc gia) về tham vấn cộng đồng, tạo kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí và môi trường thành phố; Hợp tác với Cơ quan hợp tác phát triển Đức để khảo sát, đề xuất nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của giao thông tới chất lượng không khí.
UBND thành phố Hải Phòng đang chỉ đạo xây dựng phương án, biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong tháng 6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng, đề xuất tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Sở thực hiện công tác kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi, hoàn thành trong năm 2021.
TP.HCM đang xây dựng dự thảo các quy chuẩn địa phương phù hợp với điều kiện thực tế như chất lượng không khí xung quanh, mùi, khí thải lò hơi, lò nhiệt, tiếng ồn, độ rung…, đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc không khí tự động liên tục để bổ sung hai trạm và tổ chức định kỳ quan trắc tại 30 vị trí với tần suất 2 lần/ngày và 10 ngày/tháng. Bên cạnh đó, UBND Thành phố còn đầu tư, cải thiện mạng lưới vận tải công cộng, khí thải các phương tiện công cộng đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2, lắp đặt các trạm nạp khí phục vụ xe bus công cộng, nghiên cứu, chuyển giao mô hình đánh giá và dự báo ô nhiễm không khí.
TP.HCM, Cần Thơ và một số tỉnh phía Nam đã tích hợp các nghiên cứu ô nhiễm không khí nhằm xây dựng kế hoạch không khí sạch đến năm 2025.
Tiếp theo là tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng; Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Các nhiệm vụ khác như rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; Xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí; Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bộ cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chất lượng không khí, các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không; Thành lập đoàn công tác liên ngành về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, tập trung vào các điểm nóng về ô nhiễm không khí trong cả nước.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/can-kiem-soat-nguon-o-nhiem-sat-thu-vo-hinh-bui-min-56099.html