Giếng trời có thể đặt được ở rất nhiều vị trí trong nhà bạn như trung tâm giữa ngôi nhà, cạnh cầu thang, phòng ăn, nhà bếp… Tuy nhiên, dù ở đâu thì nó cũng phải đảm bảo được quá trình lưu thông khí thật thuận tiện và không bị cản trở.

Giếng trời (Skylight), được hiểu là khoảng trống thông từ mái nhà xuống nền đất. Giếng trời có công dụng là mang lại ánh sáng tự nhiên và sự thoáng đãng cho ngôi nhà.

Hiện nay, có 2 loại giếng trời phổ biến trong thiết kế là giếng trời trong nhà và giếng trời sau nhà. Tùy thuộc vào kiến trúc ngôi nhà hay sở thích của gia chủ mà có lựa chọn và thiết kế phù hợp. 

Giếng trời trong nhà

Giếng trời trong nhà giúp thông gió, là nguồn sáng tự nhiên cho ngôi nhà và góp phần vào phong thủy của toàn thể ngôi nhà.

Có nhiều hình dạng khác nhau để gia chủ lựa chọn như hình vuông, hình chữ nhật hay bán nguyệt. 

Giếng trời trong nhà giúp hạn chế mức sử dụng điện năng trong nhà, tận dụng được tối đa ánh sáng từ thiên nhiên. 

Thông thường, ngôi nhà hình ống sẽ chọn làm giếng trời hình trụ. Những nhà có không gian rộng hơn như biệt thự, giếng trời có thể thiết kế đa dạng với nhiều dạng khác nhau, mới lạ và bắt mắt như dùng kính nhiều màu sắc hay kiểu dáng xoắn ốc...

 Có nhiều lựa chọn cho hình dáng và thiết kế giếng trời

Hướng tốt nhất để đặt giếng trời là phía Bắc bởi nó luôn mát mẻ. Nếu bạn muốn xây giếng trời ở phía Đông hay Tây thì ngôi nhà sẽ phải nhận một lượng nhiệt khá lớn khi mặt trời mọc và lặn, đặc biệt là khi mùa hè đến. 

Còn nếu đặt giếng trời ở phía Nam, các cơn gió mùa hè sẽ là trở ngại, mặc dù chúng khiến không gian ấm áp hơn vào mùa đông.

Do đó, nếu xây dựng ở hướng Nam tốt nhất bạn nên trồng một loại cây nào đó có tán hơi rộng để che mát mùa hè.

Lưu ý khi xây giếng trời trong nhà

Để tăng công năng cho giếng trời, thì người thiết kế thường khuyên gia chủ nên sử dụng mái che bằng kính hoặc bằng nhựa trong để dễ dàng hấp thụ và trao đổi ánh sáng, nhưng phải có khung sắt bảo vệ để cho mái che được an toàn hơn.

Có thể lựa chọn nhựa để thay thế kính vì giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của nhựa là dễ cũ, nhanh bạc màu và bị giòn. Phương án tối ưu nhất là sử dụng kính cường lực để đảm bảo an toàn.

Để giảm cường độ sáng của giếng trời, có thể dùng các vật liệu màu cho mái vừa tạo đủ độ sáng vừa làm dịu mát không gian nội thất trong nhà.

Ngoài ra, cũng cần thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước để không gây đọng nước hoặc tràn nước vào nhà.

Giếng trời sau nhà

 Giếng trời giúp ngôi nhà lấy được nguồn không khí và ánh sáng tự nhiên nhất

Khác với giếng trời trong nhà, thiết kế giếng trời sau nhà không tác động nhiều đến khung cảnh chung của cả ngôi nhà vì chúng nằm ở phía sau.

Bởi vậy mà thiết kế giếng trời sau nhà cũng không đòi hỏi khắt khe.

Mục đích của giếng trời sau nhà là mang lại sự thông thoáng và lấy gió. Tuy nhiên, khi làm cần chú ý đến hướng gió và hướng nhà để thuận tiện nhất.

Nếu xây giếng trời ở phía có hướng gió mạnh như Tây Bắc thì cần có thêm thiết bị điều tiết gió hoặc giảm diện tích lấy gió của giếng để hạn chế sức gió.

Giếng trời sau nhà thường để trần không, do đó, gia chủ sẽ không cần đến các khoản chi phí lắp vật liệu che chắn phía trên.

Để thiết kế thêm phần độc đáo thì có thể trang trí những bức tường của giếng với tranh vẽ tường hay khảm nạm các mảnh gốm vỡ.

Đối với giếng trời ở trong hay sau nhà, gia chủ đều có thể bổ sung thêm một tiểu cảnh ngay dưới “đáy” giếng trời để thêm phần sinh động và tăng sức sống cho ngôi nhà.

Một hòn non bộ vừa vặn với không gian, một ít cây leo, hoặc một bể cá nhỏ sẽ tạo nên khung cảnh thiên nhiên hữu tình đầy ấn tượng. 

Theo Tuấn Việt (Tổng hợp)/GIa đình Việt Nam