Gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch bệnh 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 15,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương.

Số liệu ước của liên Bộ cho thấy, ước xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021 đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn chung 7/9 mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm nay.

Trong đó, thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông thủy sản vẫn là khu vực châu Á với 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiếp đến là thị trường châu Mỹ, EU, châu Phi. Tất cả các khối thị trường này đều có kim ngạch tăng trưởng so với cùng kỳ.

Riêng với Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2021 đạt 4,34 tỷ USD, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7/8 mặt hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng dương 2 con số.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công thương nhận định, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu của một số nước đã và đang phục hồi sau cả giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động không nhỏ đến tiến độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu (thủy sản, điều, gỗ) để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tại ASEAN, Ấn Độ cũng có khả năng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các nước này, gây tác động đến xuất khẩu của ta. Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất của nông thủy sản đã và đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch Covid-19 đã tác động đến tiến độ thông quan hàng hóa của ta sang thị trường này. 

“Đặc biệt, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản từ các địa phương nuôi trồng trọng điểm đến khu vực cửa khẩu, biên giới để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn (thiếu nhân lực tham gia trực tiếp, phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg), gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ sản xuất, giao nhận, lưu thông và xuất khẩu nông thủy sản trong quý III/năm 2021” – đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

3 giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông thủy sản

Trước tình hình thực tiễn, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, xuất khẩu nông thủy sản của nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng rất tốt sau 7 tháng với mức tăng tới 15,2%, đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD. 

Khó khăn thực sự chỉ xuất hiện vào tháng 8, khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn khiến ách tắc phát sinh tại tất cả các khâu của chuỗi cung ứng nông thủy sản, từ thu hoạch, chế biến tới vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu.

“Những con số này cho thấy, không phải không có thị trường xuất khẩu. Thị trường là có, và rất lớn, khi nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi tại các trung tâm tiêu dùng lớn. Vấn đề là chúng ta đang tự gây phức tạp cho chính mình. Vì vậy, kiến nghị đầu tiên của chúng tôi là tháo gỡ ngay những khó khăn không đáng có cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản, nhất là ách tắc trong khâu lưu thông” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.

Thực tế nêu rõ thực trạng tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt - Trung khi dịch Covid-19 xảy ra và các biện pháp phòng chống Covid-19 ở cả biên giới 2 nước đã khiến bộc lộ toàn bộ những bất cập của xuất khẩu nông thủy sản theo hình thức “trao đổi cư dân”.

Phía Trung Quốc đã duy trì chế độ ưu đãi cho trao đổi hàng hóa giữa cư dân 2 bên biên giới, với hạn mức được miễn thuế là 8.000 NDT/người/ngày. Vì vậy, từ nhiều năm nay, tại khu vực biên giới Việt - Trung đã tự phát hình thành việc gom tiêu chuẩn của cư dân để buôn bán lớn tại các cặp chợ.

Theo đó, hàng hóa trao đổi theo hình thức này thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng… và chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên. 

Do là buôn bán tại chợ nên việc quản lý chợ hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền địa phương của Trung Quốc, không thể can thiệp theo hiệp định quốc tế hay thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, lúc cho nhập hàng ban ngày, lúc cho nhập hàng ban đêm dẫn đến bị động và rủi ro lớn cho các loại nông thủy sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh:“Bộ Công Thương đã nhiều năm nay kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, sự chuyển biến là rất chậm”.

Để giảm thiểu việc hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu, Thứ trưởng kêu gọi thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh.

Nhìn vào cách làm của địa phương, trong tình hình dịch bệnh bủa vây, hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã chủ động trong việc hỗ trợ nông dân, và tìm hướng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh để tiêu thụ nông sản cho dân.

Từ bài học thực tế, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh một lần nữa nhấn mạnh: Vấn đề nằm ở cách làm của chính quyền địa phương. Điều này đưa ra thách thức, cũng là cơ hội cho các địa phương lợi dụng thế mạnh của từng vùng để tổ chức sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn thị trường, tự đưa ra các biện pháp để bảo đảm an toàn cho sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/san-xuat-nong-thuy-san-can-them-cac-giai-phap-trong-tam-de-vuot-qua-kho-khan-post156344.html