Quá trình chuyển giao quyền điều hành khá kín tiếng và kỹ càng của Grab báo hiệu cho một giai đoạn phát triển mới của startup siêu kỳ lân này tại thị trường Việt Nam.
Ba tháng chuẩn bị
Bà Hải Vân gia nhập Grab từ ngày 1/11/2019. Mười bảy năm làm việc tại tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng nhanh Unilever Vietnam đem lại cho bà nhiều kinh nghiệm trong việc hoạch định chiến lược thương mại, điều phối hoạt động kinh doanh tiếp thị của hàng loạt nhãn hàng thuộc Unilever Vietnam. Bà cũng đang là đồng chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Di động Vietnam (VMMA).
Trong các thông cáo phát ngày 13/1/2020, Grab nói việc tìm kiếm nhân sự người Việt để dẫn dắt Grab Vietnam được lên kế hoạch từ lâu. Nền tảng kinh nghiệm vững chắc, niềm đam mê công nghệ và sự gắn bó với Việt Nam là những yếu tố giúp bà Hải Vân được lựa chọn. Hãng gọi xe công nghệ tin rằng bà Hải Vân “sẽ thúc đẩy sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua công nghệ mà Grab luôn theo đuổi”, Giám đốc Vận hành Đông Nam Á Russel Cohen của Grab cho biết.
Trong khi đó, ông Jerry Lim – người đã đặt nền tảng vững chắc cho Grab Vietnam trong thời gian qua – cho biết: “Trong suốt hai tháng qua, bà Hải Vân đã sâu sát tình hình hoạt động của công ty, điều phối các buổi thảo luận nhằm mục tiêu phục vụ khách hàng, đối tác tài xế và đối tác nhà hàng tốt hơn nữa…”
Ông Lim sẽ quay về Singapore để đảm nhiệm vị trí giám đốc vùng quản lý bộ phậm trải nghiệm khách hàng của Grab.
Chiến lược 3+
Thành lập năm 2012 tại Malaysia rồi chuyển dần hoạt động chính sang Singapore, Grab bước vào thị trường Việt Nam năm 2014. Sự có mặt của ứng dụng gọi xe này tạo thay đổi lớn thị trường xe taxi tại Việt Nam, buộc các hãng taxi truyền thống phải thay đổi cung cách phục vụ và có khi đem lòng đố kỵ. Từ mảng đặt xe hơi, Grab phát triển qua mảng gọi xe máy, giao nhận hàng hóa, đặt thức ăn, đặt phòng khách sạn và thanh toán di động… “Xe ôm công nghệ” là cách gọi thường nhật của người dùng, còn Grab gọi đó “siêu ứng dụng đa dịch vụ”.
Bà Hải Vân tiếp nhận vai trò mới trong bối cảnh hàng loạt biến động ở giới quản lý cấp cao các startup công nghệ. GoViet đã hai lần thay CEO trong năm 2019 và hơn ba tháng qua GoViet vẫn trong tình trạng “rắn không đầu”. CEO be Group từ chức và các dự án giao nhận thức ăn, dịch vụ tài chính của ứng dụng này buộc phải hoãn vô thời hạn hay phá sản…
Người tiền nhiệm Jerry Lim đã xây dựng nền móng vững chắc, giúp Grab qua mặt các đối thủ khác. Tiếp quản di sản đó, CEO Hải Vân sẽ lèo lái giai đoạn phát triển mới của Grab trong thập niên tới hay ít nhất 5 năm trước mắt: Giữ vững và phát triển thị phần, tìm hướng đi mới và tạo ra lợi nhuận
Trong phát biểu của mình với báo chí, bà Hải Vân nói rõ phương hướng đó.
Thứ nhất, trong ngắn hạn, hướng đến mở rộng các dịch vụ trong hệ sinh thái hơn nữa và bền vững để đạt hiệu quả lâu dài.
Thứ hai, tiến tới đưa Grab hiện diện đủ ở tất cả tỉnh thành.
Thứ ba, Grab vừa rồi đã công bố chương trình “Grab vì cộng đồng” và sẽ công bố cụ thể hơn chương trình này, tạo điều kiện tăng thu nhập và mở rộng kinh doanh hơn cho các đối tác.
Ngoài ra, ở mảng thanh toán không dùng tiền mặt, Grab sẽ đẩy mạnh hợp tác với Moca để giới thiệu đến người dân nhiều dịch vụ tài chính toàn diện hơn.
Kịch bản này được các nhà phân tích gọi là “chiến lược 3+”
Đồng hành từ sáng đến tối
Dễ thấy là mảng thanh toán điện tử là mục tiêu lớn của Grab Vietnam bởi ứng dụng này “muốn là người bạn đồng hành với mọi người từ sáng thức giấc đến tối khi về nhà”, bà Hải Vân đã nhấn mạnh về giai đoạn phát triển mới của Grab. Bà nói sẽ nắm bắt và khai phá những cơ hội mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động và logistics. Theo đánh giá của các chuyên gia khả năng là Grab sẽ xin giấy phép một ngân hàng kỹ thuật số tại Việt Nam.
Cuộc chạy đua đầu tư vào mảng thanh toán điện tử đã thay đổi ngoạn mục bức tranh toàn cảnh ngành fintech tại Việt Nam. Grab đã đổ thêm 500 triệu USD cho kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn tập trung vào mảng thanh toán với cổ phần lớn trong ví điện tử Moca. Quỹ đầu tư Softbank của Nhật Bản và công ty đầu tư GIC của chính phủ Singapore cùng góp 300 triệu USD cho ví điện tử của VNPAY vào tháng 7 vừa rồi. Ví Momo cũng huy động được 100 triệu USD từ quỹ đầu tư Warburg Pincus.
Theo Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, 80% giá trị thanh toán và lượng giao dịch thực hiện qua năm ví chính: Moca, MoMo, Payoo, SenPay và Airpay. Nhưng trên thị trường, đối thủ lớn nhất của Moca hiện giờ là ví Momo.
Thị trường ví điện tử đang là cuộc chơi đầy hào hứng và không kém phần "đổ máu" tại Việt Nam. Chỉ cần dạo quanh khu Bitexco hay phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Q1, TP.HCM bạn sẽ thấy nhiều cửa hàng tiện lợi, tiệm ăn nhỏ và bãi giữ xe trưng bày biển hiệu của ít nhất 2-4 ví điện tử, trong đó luôn có mặt Moca và Momo.
Thị trường ví điện tử năm 2020 càng không kém phần sôi động khi Ant Financial - một nhánh của gã khổng lồ Alibaba - đã hoàn tất mua cổ phần của ví điện tử eMonkey vào cuối năm rồi.
Bài toán lợi nhuận
Ở thị trường Việt Nam và trên bình diện khu vực, Grab đang đối diện một thách thức lớn hơn.
Grab hình thành năm 2012, chậm hơn startup GoJek hai năm, nhưng chạm mốc kỳ lân (unicorn) tức startup giá trị trên 1 tỷ USD hay mốc siêu kỳ lân (decacorn) trên 10 tỷ USD sớm hơn nhiều.
Cuộc đua đầu tư vào nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế số diễn ra khốc liệt ở châu Á và thế giới trong thập niên 2010-2019. Grab giờ đã đủ lực, dư vốn để mua lại hay đầu tư vào startup mới hơn, nhỏ hơn. Nhưng câu hỏi hóc búa nhất cho thập niên phát triển mới là khi nào startup này bắt đầu sinh lợi nhuận.
Đó cũng là đòi hỏi của ông Masayoshi Son – tỷ phú người Nhật Bản vốn bơm dòng tiền khổng lồ vào startup công nghệ ở châu Á và thế giới, trong đó có Grab. Sự thất bại của đợt cháo bán cổ phiếu công khai lần đầu (IPO) của WeWork sẽ khiến tỷ phú Son thắt chặt túi, giảm bớt đầu tư và buộc startup phải trả lời cụ thể “khi nào có lời”. Các số liệu của công ty nghiên cứu thị trường PitchBook Data cho thấy số vốn huy động trong năm 2019 đối với startup công nghệ ở 8 nước và lãnh thổ – gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và Singapore - chỉ đạt 21 tỷ USD, tức bằng 1/3 con số của năm 2018.
Thời điểm Grab bị áp lực phải IPO là ngày 25/3/2023, tức là sau 5 năm mua lại các hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á. Grab phải trả ít nhất 2,26 tỷ USD tiền mặt cho Uber nếu hãng công nghệ Hoa Kỳ muốn chuyển cổ phiếu thành tiền mặt
Grab đã dành cho Uber quyền rút tiền mặt trong một số trường hợp, bao gồm khi Grab không thực hiện IPO hoặc chuyển một phần hay toàn bộ cổ phiếu đầu tư vào Grab thành tiền măt sau hạn chót 25/3/2023 – tức 5 năm sau khi sáp nhập.