Vụ việc vẫn có thể được xem xét theo các trình tự khác như phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm nếu các cá nhân, tổ chức có liên quan có ý kiến đề xuất, đề nghị. Tuy nhiên, không thể phủ định vụ việc đã và đang gây nhiều hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

Để giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của chính mình và đảm bảo hoạt động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý người tiêu dùng một số nội dung:

Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp

Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:

"Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: a) Thương lượng; b) Hòa giải; c) Trọng tài; d) Tòa án.".

Như vậy, theo quy định tại Điều 30 nêu trên, khi phát hiện một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể có nhiều cách lựa chọn khác nhau:

Thứ nhất, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp với tổ chức, cá nhân kinh doanh để yêu cầu được giải quyết theo phương thức thương lượng.

Thứ hai, người tiêu dùng có thể nhờ một tổ chức, cá nhân thứ ba (các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các công ty, văn phòng luật hoặc bất kỳ một tổ chức cá nhân nào khác đủ năng lực);

Thứ ba, người tiêu dùng có thể sử dụng phương thức trọng tài (nếu phương thức này được thỏa thuận trước đó khi xác lập giao dịch);

Thứ tư, người tiêu dùng có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật (có hoặc không kèm theo yêu cầu hòa giải) của doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí.

Lựa chọn phương thức nào là hoàn toàn phụ thuộc vào người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc cũng như mức độ hợp tác, phối hợp của các bên liên quan.

Cách thức tiến hành thương lượng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng

Điều 31 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:

"1. Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. "

Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy thương lượng là một trong những phương thức hiệu quả nhất và thường được sử dụng để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Hàng ngày, khi người tiêu dùng tiến hành các giao dịch và phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, việc người tiêu dùng trao đổi, phản ánh thông tin với người bán là một hình thức của thương lượng.

So với các phương thức khác như hòa giải, trọng tài hoặc tòa án, thương lượng sẽ tiết kiệm thời gian, công sức không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả doanh nghiệp, đồng thời, đảm bảo tính bí mật thông tin trong quá trình hai bên làm việc với nhau.

Tuy nhiên, kết quả của thương lượng thường phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí thương lượng của hai bên. Nếu một trong hai bên không có thiện chí, thương lượng sẽ không mang lại kết quả thống nhất, các bên sẽ phải tiếp tục sử dụng các phương thức khác để giải quyết vấn đề.

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam