Thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một trong những nội dung lớn thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể ở hội trường thảo luận về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Được xem là một trong 5 “mũi giáp công” cần đẩy mạnh nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công dường như vẫn dưới kỳ vọng...
Câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nguồn vốn đầu tư công được xem là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn này để phục vụ tốt cho đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề trầm kha, cứ đến quý III hằng năm là vấn đề này tiếp tục được nêu ra và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhấn mạnh: “Tôi muốn đề cập tại sao biết rồi mà năm nào cũng cứ chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải thân chinh chỉ đạo, trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương. Đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay chủ yếu chỉ ra hầu hết các nguyên nhân khách quan, còn sự chủ quan thì rất ít”.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, qua thực tế các địa phương cho thấy còn nhiều nguyên nhân chủ quan cần phải thẳng thắn thừa nhận để có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu chính là công tác lập kế hoạch không sát với thực tế, nhiều bộ ngành, địa phương cố lập kế hoạch dành cho bằng được nguồn vốn về cho mình mà không chú trọng đến thực tế tình hình khả thi của dự án dẫn đến khi triển khai rất khó, chậm và không giải ngân được.
Điển hình ở đây là một số các dự án mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm như Dự án đường vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư tháng 10/2018 dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020 nhưng hiện tại việc đo, vẽ, kiểm đếm đất và tài sản trên đất của các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Ngay cả 2 hạng mục cần làm trước là cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành và cầu vượt nút giao Giảng Võ - Đê La Thành cũng chưa có mặt bằng để khởi công.
Hay đáng lo ngại nhất là việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA như dự án tuyến đường sắt đô thị mà đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đã nêu. Đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội mới giải ngân được gần 43% số vốn năm 2020. Tại dự án tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được cấp nhưng không thể giải ngân kịp trong năm nay do thủ tục điều chỉnh tổng đầu tư dự án chưa thực hiện xong và quy hoạch ga ngầm C9 khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa hoàn tất nên không thi công được các gói thầu xây lắp.
Qua tìm hiểu thực tế, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nhiều chủ đầu tư cho rằng khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt đầu tư, lựa chọn nhà thầu hiện nay rất khó khăn và không loại trừ có cả những sự nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhiều dự án kéo dài khâu này đến vài tháng. Một dự án đầu tư công từ khi giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến thực hiện triển khai và hoàn thành thường phải trên 10 bước, mỗi bước như vậy rất nhiều thời gian và tốn kém, có cả những chi phí không chính thức.
Để đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, một số chủ đầu tư phải khoán cho doanh nghiệp thi công các công trình đứng ra lo liệu. Cũng vì cố gắng giành cho bằng được nguồn vốn, nhất là vốn ODA nên trong quá trình triển khai không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà tài trợ nên không triển khai ra thực tế được. Một số dự án cố triển khai trong khi thủ tục chưa hoàn chỉnh sát với thực tế nên khi hoàn thành không thể quyết toán được, tất nhiên không thể bàn giao, nghiệm thu công trình.
Thực tế tại một số địa phương, nhiều dự án được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất, song khi nguồn thu không đạt dẫn đến không thể giải ngân cũng khiến cho dự án không thể hoặc chậm triển khai.
Từ thực tế nêu trên, để nguồn vốn đầu tư công thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu lên 4 kiến nghị lớn.
Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm do yếu tố chủ quan được xem là không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ ba, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công, có cơ chế kiểm tra, giám sát các cán bộ thực thi công vụ và xử lý nghiêm minh khi phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thứ tư, các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ nhằm nhìn nhận rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành mình để phân định trách nhiệm trong quá trình triển khai, đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua, đá lại và việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục trở thành điệp khúc “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi”.
Cùng về vấn đề này, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) thì phân tích, nguyên nhân giải ngân chậm, bên cạnh các yếu tố chủ quan như năng lực chuyên môn của cán bộ, sự chậm trễ của các nhà đầu tư thì một số nguyên nhân khách quan cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công, đó là sự chồng chéo, rườm rà về mặt thủ tục do các quy định ở các luật theo quy định của pháp luật dẫn đến khó thực hiện và khó khăn.
Thứ hai là vướng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Một số địa phương thì được phân bổ nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nhưng do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên cũng không triển khai được và theo Nghị quyết số 84 của Chính phủ là giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển đối với các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%.
“Chúng ta đang ở vào những tháng cuối năm và cũng rất cần một quyết sách mạnh mẽ để tạo bước nhảy vọt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 nhằm đạt được kỳ vọng đề ra”, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu quan điểm.
Gắn với trách nhiệm giải trình từng cá nhân
Trong văn bản gửi các địa phương, Thủ tướng cũng đã nêu rõ, trường hợp cán bộ công chức, cơ quan đơn vị cố tình làm chậm, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, gây lãng phí về đầu tư công sẽ bị xử lý nghiêm. Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không chỉ cần tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế thủ tục, giải phóng mặt bằng..., mà quan trọng hơn là gắn liền trách nhiệm người thực hiện. “Ví dụ như giải phóng mặt bằng đang rất vướng nhưng khó quy trách nhiệm vì liên quan đến rất nhiều đơn vị, nhiều khâu, vì vậy phải xem xét trách nhiệm giải trình với từng cá nhân, tránh lấy nghị quyết tập thể để che lấp trách nhiệm cá nhân”, ông Doanh nói.
PGS-TS Chu Công Minh - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định đối với các dự án đầu tư công, thủ tục pháp lý rất nhiều, nhiêu khê. Muốn đẩy nhanh, đòi hỏi phải có những đột phá trong chính sách, cơ chế, rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng điều này rất khó. Cán bộ sợ trách nhiệm, Chính phủ cũng rất khó ban hành ngay một quyết định mà có thể lập tức tác động, ảnh hưởng đến các dự án. Đối với lĩnh vực giao thông hạ tầng theo phương thức đầu tư công, dù có thúc giục đến đâu cũng sẽ có độ trễ. Nếu xác định dự án nào cần đẩy nhanh, yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành liên quan, từ trên xuống dưới, phải tập trung tham gia vào giải quyết triệt để, linh động xử lý từng trường hợp thì mới mong có thể làm ngay được.
“Do đó, song song với thúc vốn đầu tư công, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tốc độ giải quyết vấn đề, đẩy dự án của doanh nghiệp tư nhân rất nhanh. Chỉ cần có pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, chính sách hợp lý thu hút nhà đầu tư tư nhân, nhà nước vừa huy động thêm được vốn, vừa nhanh chóng triển khai được các dự án hạ tầng để phá băng kinh tế”, vị này gợi ý.
Khắc phục hạn chế trong lập kế hoạch đầu tư công
Lập kế hoạch 5 năm cho đầu tư công trung hạn cần có những thay đổi cho giai đoạn tiếp theo. Một điểm nhấn phải kể đến, đó chính là Luật Đầu tư công 2019 có hiệu lực từ đầu năm nay, khi Luật đã khắc phục được những vấn đề còn vướng mắc ở lần đầu lập kế hoạch 5 năm. Giai đoạn 2021-2025 quy mô đầu tư dự kiến cao hơn, lên mức hơn 2,7 triệu tỷ đồng, đòi hỏi một kế hoạch đầu tư công đúng và trúng để có hiệu quả cao cho dòng vốn quan trọng này.
Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm sẽ cho thấy một bức tranh toàn cảnh về khả năng cân đối vốn đối với các dự án đã, đang và sẽ triển khai. Tuy nhiên, do phải tuân thủ kế hoạch đã được phê duyệt nên khi có sự thay đổi điều kiện thực hiện dự án sẽ mất rất nhiều thời gian, khiến tiến độ chậm kéo dài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần có sự hài hòa giữa mục tiêu 5 năm và kế hoạch từng năm phù hợp với thực tiễn. Để tránh tình trạng mạnh tỉnh nào tỉnh ấy làm dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí ngân sách, việc lập kế hoạch đầu tư công của các địa phương, Bộ ngành phải nằm trong quy hoạch vùng và tổng thể quốc gia.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giúp cho người lập kế hoạch ngân sách có cái nhìn tổng thể hơn tránh lãng phí. Nhưng ngược lại một kế hoạch chưa tốt sẽ khó mang lại những gì kỳ vọng.
Với giai đoạn 5 năm tới, quy mô đầu tư lớn hơn trong bối cảnh có thể biến động nhiều hơn, từng đồng vốn phải được suy nghĩ, xây dựng kế hoạch chi tiêu hiệu quả nhất, đúng nhất và muốn vậy, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 vừa không thể chậm chễ vừa phải thật sát sao để có chất lượng tốt nhất cho cả giai đoạn phát triển tiếp theo.