Chiến dịch thanh tra lao động 2019: Công bố sai phạm với truyền thông, tạo sức ép với doanh nghiệp - Ảnh 1

Ông Nguyễn Tiến Tùng-Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH

Thưa ông, Chiến dịch thanh tra lao động năm 2019 tại sao lại tập trung vào ngành chế biến gỗ?

Hiện có khoảng 4.500 DN hoạt động trong ngành chế biến gỗ và lâm sản với hơn 500.000 lao động, trong đó khoảng 45% lao động đơn giản theo mùa vụ. Trong số này, có 93% DN nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng máy móc thiết bị lạc hậu. Các vi phạm pháp luật lao động phổ biến trong lĩnh vực này bao gồm làm thêm giờ vượt quá quy định; vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động, an toàn lao động; các yếu tố nguy hiểm, độc hại còn bỏ ngỏ như bụi, tiếng ồn, vật văng, thiết bị không che chắn... gây mất an toàn và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Việc vi phạm pháp luật lao động không những ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động mà còn giảm năng suất lao động, giảm tính cạch tranh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ở cả thị trường trong nước và trên thế giới.

Chiến dịch thanh tra lần này nhằm hướng đến tuân thủ bền vững pháp luật lao động sẽ góp phần đạt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là “Phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và khu vực.

Thưa ông, tại sao Bộ LĐ-TB&XH lại tổ chức chiến dịch thanh tra lao động. Ông có kỳ vọng gì vào Chiến dịch thanh tra lao động năm 2019?

Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2019 sẽ kéo dài đến hết năm. Kể từ năm 2015, đây là lần thứ 5 chiến dịch được tổ chức. Chiến dịch là sáng kiến của ILO và Bộ LĐ-TBXH, mỗi năm tập trung thúc đẩy tuân thủ pháp luật trong một ngành mũi nhọn như: may mặc (năm 2015), xây dựng (năm 2016), điện tử (năm 2017), khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng (năm 2018); đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần ổn định quan hệ lao động hài hòa, có tác dụng lan tỏa tới việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác.

Để Chiến dịch thanh tra năm 2019 thành công cần có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó nòng cốt là Thanh tra lao động, Tổ chức công đoàn, và tổ chức đại diện người sử dụng lao động với sự phối hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông.

 

Chiến dịch thanh tra lao động 2019: Công bố sai phạm với truyền thông, tạo sức ép với doanh nghiệp - Ảnh 2

Chiến dịch thanh tra lao động 2019: Công bố sai phạm với truyền thông, tạo sức ép với doanh nghiệp

 Vậy các cơ quan truyền thông sẽ tiếp cận như thế nào đối với hoạt động thanh tra lao động?  Việc công bố rộng rãi có khiến doanh nghiệp (DN) đối phó?

Ngành LĐ&TB-XH hiện nay chỉ có 500 thanh tra viên, riêng lực lượng thanh tra lao động chỉ khoảng 150 người, trong khi cả nước có gần 800.000 DN. Để có thể kiểm tra các DN thì chúng ta phải mất 50 năm. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược tiếp cận mới, huy động các bên tham gia, đặc biệt là truyền thông, qua đó khuyến cáo DN phải tự điều chỉnh vì quyền lợi của mình và bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ). Chiến dịch không nhắm đến hiệu ứng tức thì, mà qua lôi kéo các bên liên quan để tạo được hiệu ứng trong năm chiến dịch và những năm tiếp theo, không chỉ trong ngành chế biến gỗ mà còn những ngành khác.

- Tất cả kết luận thanh tra cũng như kết quả điều tra tai nạn lao động đã ký đều phải được công khai bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ở cấp bộ, việc công khai được thực hiện thông qua hình thức công bố kết luận trên website của bộ (Molisa.gov.vn). Các địa phương có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau tùy điều kiện, song nguyên tắc là phải công khai. Nếu địa phương nào không công khai, báo chí cứ phản ánh, chúng tôi sẽ yêu cầu chánh thanh tra các sở LĐ&TB-XH phải công bố, qua đó tạo sức ép với các DN.

Trong chương trình thanh tra lao động chung năm 2019 có hoạt động DN tự kiểm tra và báo cáo. Liệu việc này có khả thi?

- DN tự kiểm tra thông qua phiếu khảo sát điện tử và gửi báo cáo qua mạng internet. Nội dung khai báo trong phiếu có liên kết chặt chẽ với nhau, nếu DN khai không đúng sẽ phát sinh mâu thuẫn. Đặc biệt, báo cáo của DN phải có ý kiến đồng ý của tổ chức đại diện NLĐ. Đây là cách để các DN tự đối chiếu rà soát với quy định của luật để từng bước thực hiện cho đúng. Căn cứ kết quả báo cáo của DN, chúng ta sẽ phát hiện những sai sót cơ bản, từ đó hỗ trợ, nhắc nhở DN khắc phục và thực hiện tốt hơn.

Theo Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH, việc thanh tra lao động sắp tới đây sẽ được tiến hành bất cứ thời gian nào, kể cả ban đêm?

- Trước giờ chúng ta chưa làm vì Luật Thanh tra không cho phép. Bộ Luật Lao động 1994 cho phép thanh tra bất kỳ lúc nào mà không báo trước, đến Bộ Luật Lao động 2012 lại bỏ đi quy định này. Hiện nay, dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động quay lại tinh thần của Bộ Luật Lao động 1994. Chúng ta đã ký Công ước số 81 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về thanh tra lao động. Theo tinh thần công ước này, thanh tra lao động được tiến hành bất kỳ lúc nào, kể cả ban đêm, khi DN có nguy cơ mất an toàn lao động. Bất cập phát sinh thì chúng ta phải sửa đổi luật cho phù hợp. Trước khi Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thì chúng ta phải có thông tư như vậy để khắc phục bất cập. Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nhằm bảo đảm tính mạng, quyền lợi của NLĐ cũng như DN mà nếu không kịp thời thanh tra thì có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Theo baodansinh.vn