Qua thực tế phóng viên (PV) ghi nhận hoạt động tại đây, hàng chục ngàn ha đất trên hành lang thoát lũ sông Đuống tại địa phận xã Yên Viên đang bị lấn chiếm, xây dựng, kinh doanh. Những bãi tập kết cát, bê tông, than, sản xuất nhựa đường,... hoạt động một cách công khai trong suốt thời gian dài. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn "ngang nhiên" xây dựng các dãy nhà điều hành, rào cổng như một khu nhà xưởng biệt lập.
Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã sử dụng phương tiện có trọng tải lớn chở vật liệu di chuyển trên mặt đê khiến tuyến đê bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông. Cùng đó là hàng loạt dãy kiot được dựng lên trên hành lang đê điều, xây dựng nhà ở tại đường Thiên Đức.
Trao đổi với ông N.V.T người dân xã Yên Viên cho biết: “Việc này đã tồn tại từ rất lâu, người dân nơi đây cũng vô cùng bức xúc vì cuộc sống bị ảnh hưởng, môi trường bị ô nhiễm. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được xã giải quyết”.
Chưa dừng lại ở những sai phạm trên hành lang thoát lũ, tại địa chỉ ngõ 670 đường Hà Huy Tập, những dãy nhà trọ cũng được dựng lên ngay trên đất nông nghiệp từ nhiều năm nay. Theo nguồn tin riêng của PV, được biết các khu nhà ở này chủ yếu cho người đi làm, công nhân từ nơi khác đến thuê với giá từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Điều đáng nói là khu nhà này xả nước thải sinh hoạt ra ruộng canh tác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
Tuy nhiên, không hiểu lý do gì UBND xã Yên Viên không mạnh tay xử lý mà "làm ngơ, dung túng" cho những sai phạm, vi phạm suốt nhiều năm?
Để khách quan thông tin, PV đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Kỷ - Chủ tịch UBND xã Yên Viên. Được biết, "các công trình hoạt động xả thải là hoạt động sai phép trên hành lang thoát lũ sông Đuống. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài. Các bãi cát tại đây cũng đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, hiện nay thành phố và huyện mới đang hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ theo quy định. Vừa qua, Đoàn liên ngành mới kiểm tra và xử phạt 15 triệu, có nơi 10 triệu. Ở đây là đất công ích do xã quản lý. Chỗ này muốn cho thuê thì huyện phải làm phương án đề xuất thành phố, xã không thể làm được điều đó. Chỗ các bãi cát này đang thi công dự án kè đê sông Đuống, tới đây sẽ tiếp tục làm”.
“Các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động dưới đó có giấy phép kinh doanh nhưng không có giấy phép hoạt động bến bãi. Cấp phép này phải do Thành phố cấp nên liên quan tới trích lục bản đồ, thủ tục qua các phòng ban của Sở Nông nghiệp, Sở tài nguyên và môi trường”.
Mặc dù cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn, nhất là việc các doanh nghiệp “ngang nhiên” sử dụng hành lang đê điều để dựng nhà tạm, bến bãi… Có hay không nguyên nhân của tình trạng này là sự “chống lưng” của một số cán bộ địa phương? Hay vì một nguyên do nào khác mà doanh nghiệp có thể coi thường pháp luật?
Đề nghị UBND huyện Gia Lâm, UBND TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết dứt điểm những vi phạm nếu có trên các hành lang đê thoát lũ sông Đuống để đảm bảo cuộc sống cho người dân địa phương.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.