Nhanh chóng đẩy lùi đại dịch Covid-19 và ổn định cuộc sống của người dân là những ưu tiên hàng đầu được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, triển khai trong thời gian qua. Trong đó, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu và giải quyết khó khăn tài chính cho người dân luôn được chú trọng.

Nhiều người cần vay tiêu dùng để chi tiêu

Trước đây, khi cần vốn nhập hàng gấp, một số tiểu thương ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) phải tìm đến tín dụng “đen”, nhưng nay đã dễ dàng vay từ các công ty tài chính.  Chị Trần Thu Hà, một tiểu thương cho biết, nhân viên ngân hàng đến chợ phát tờ rơi, chào mời các tiểu thương vay vốn bổ sung vốn lưu động, song ngân hàng xét duyệt hồ sơ rất gắt gao, không dễ được duyệt. Sau đó, các công ty tài chính dần tiếp cận khách hàng vay vốn tín chấp, với thời gian xét duyệt hồ sơ chỉ vài tiếng. 

Anh Nguyễn Đức Giang (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đã 4 tháng nay, thu nhập của gia đình anh đã giảm mất một nửa, khi vợ anh phải nghỉ không lương kể từ tháng 6. Mặc dù đồng lương công chức ít bị ảnh hưởng bởi dịch, thế nhưng thu nhập của anh Giang cũng không đủ chèo chống cả gia đình 4 người, cộng thêm chi phí thuê nhà, tiền đóng năm học mới cho 2 đứa con... Nhu cầu vay tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như trường hợp của anh Giang không phải là hiếm. Những khoản chi tiêu sinh hoạt, cuối năm… đang là áp lực lớn của nhiều người dân có thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, các ngân hàng, công ty tài chính đã thiết kế đa dạng những sản phẩm với thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt. 

Liên tục thời gian qua, chị Nguyễn Thị Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được lời mời chào vay tiêu dùng của các ngân hàng VIBBank, MBBank, VietinBank… Đây là những ngân hàng chị đã làm thẻ tín dụng, do vậy các ngân hàng này đã gọi mời chị vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn. Không riêng gì chị Phương, hiện rất nhiều người được các ngân hàng chủ động mời chào vay tiêu dùng tín chấp và mở thẻ tín dụng.

Cho vay tiêu dùng tăng trở lại
Cho vay tiêu dùng tăng trở lại

Tại VPBank, để kích cầu tiêu dùng, khách hàng chỉ mất 5 phút đăng ký vay tiêu dùng tín chấp trên ngân hàng điện tử của ngân hàng này mà không cần bất kỳ hồ sơ giấy tờ nào, giải ngân online chỉ sau vài phút, hạn mức vay từ 10 - 100 triệu đồng, với kỳ hạn vay từ 6 - 60 tháng, lãi suất vay dao động từ 15,9%/năm tính trên dư nợ giảm dần. Tương tự, MB cũng đưa ra gói vay siêu nhanh từ thẻ tín dụng với hạn mức tối đa lên tới 75% hạn mức thẻ tín dụng, với giá trị từ 5 - 100 triệu đồng. Thủ tục vay và giải ngân được thực hiện hoàn toàn online trên App MBBank.

Ở các công ty tài chính, mới đây, ví điện tử Momo phối hợp với ngân hàng TPBank ra mắt sản phẩm ví trả sau trên ứng dụng MoMo, nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cho người dùng với hạn mức tối đa 5 triệu đồng. Lãi phạt của ví trả sau MoMo được tính dựa trên số tiền vay thực tế và số ngày trả chậm, không có hiện tượng “lãi mẹ đẻ lãi con”. Theo ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, sản phẩm Ví trả sau tiếp tục khẳng định sứ mệnh “bình dân hóa” các dịch vụ tài chính nói chung, dịch vụ “dùng trước - trả sau” nói riêng của MoMo.

Tương tự, Home Credit triển khai sản phẩm cho vay ưu đãi với hạn mức lên đến 100 triệu đồng, thời gian vay từ 3 - 57 tháng, thủ tục đơn giản, nhận kết quả xét duyệt trong 10 phút và không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp tài sản. Lãi suất vay từ 26,8 - 28,8%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng… 

Dư địa còn lớn

TS Cấn Văn Lực cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Hoạt động bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng trong toàn xã hội sẽ tăng lên. Nói cách khác, cho vay tiêu dùng góp phần tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, kích thích sản xuất, đầu tư. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng đen có dấu hiệu tăng, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi vấn nạn này. 

Sau hơn một năm trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại vào cuối năm theo đà hồi phục của nền kinh tế. 

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cho vay cá nhân sẽ là "miếng bánh ngon" đối với các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Bởi, ngân hàng có 4 nguồn thu chính gồm cho vay DN; buôn bán trên thị trường liên ngân hàng; cho vay cá nhân và phát hành chứng khoán (mua bán trái phiếu). Quan sát phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ đến từ mảng cho vay cá nhân và hộ gia đình.

"Tới cuối năm, tháng 11 may ra nền kinh tế mới tương đối phục hồi. Nếu mở rộng cho vay cá nhân và hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, đặc biệt là các tiểu thương sẽ là cách làm ăn tốt nhất với các ngân hàng. Bởi khi đó, nhu cầu vay vốn của các đối tượng này sẽ tăng cao "đón sóng" tiêu dùng gia tăng tháng cuối năm” – TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Dù vậy các chuyên gia cho rằng, người vay nên chủ động tìm hiểu thật kỹ, cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Đồng thời, có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên. Điều này sẽ giúp người vay tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ.

"Không chỉ sự thay đổi nhanh chóng về xu hướng tiêu dùng, thị trường tài chính tiêu dùng cũng gặp thách thức khi ngày càng nở rộ nhiều phương thức lừa đảo trên nền tảng internet. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người thu nhập thấp tìm đến các thông tin cho vay tiêu dùng được quảng cáo trên các mạng xã hội, ứng dụng cho vay tiêu dùng chưa được xác thực, từ đó rơi vào các bẫy lừa đảo chiếm đoạt tiền, hoặc trở thành con nợ của tín dụng đen, gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Điều này cũng gây ra không ít thách thức, ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu của các công ty tài chính, đồng thời kìm hãm sự phát triển minh bạch của thị trường cho vay tiêu dùng" - Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cho-vay-tieu-dung-tang-tro-lai-438987.html