Thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế

Theo StoxPlus, sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế và bong bóng bất động sản hồi những năm 2010, từ năm 2013-2017, các khoản tín dụng tiêu dùng tín chấp đã tăng trung bình 45% mỗi năm.

Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế thông qua việc kích cầu mua sắm, tiêu dùng, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm. 

Nhờ đà tăng trưởng ấn tượng đó, tính đến đầu năm 2018, tín dụng tiêu dùng đạt quy mô khoảng 1,17 - 1,18 triệu tỷ đồng (tương đương 51 tỷ USD), chiếm khoảng 17,4% tổng dư nợ tín dụng và ước tính đã phục vụ hơn 30 triệu khách hàng trên khắp cả nước.

Đặc biệt, khoảng hơn một nửa trong số đó chưa từng có lịch sử tín dụng và chưa từng được tiếp cận các dịch vụ tín dụng chính thống trước khi có tài chính tiêu dùng. 

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì đến năm 2017, có khoảng 41% người trưởng thành ở Việt Nam không có giao dịch với ngân hàng. Còn theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì chỉ có 4,1% người trưởng thành sở hữu thẻ tín dụng, thấp hơn một nửa so với Thái Lan và chỉ bằng khoảng 1/5 ở Malaysia.  

Không chỉ giúp giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng còn góp phần thúc đẩy sự phục hồi của nên fkinh tế.

Không chỉ giúp giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng còn góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Như vậy, có thể thấy tài chính tiêu dùng không chỉ giúp khách hàng giải quyết nhu cầu vốn vay tiêu dùng cấp thiết trong ngắn hạn mà quan trọng hơn, là giúp họ tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp thay vì việc tìm đến các kênh cấp vốn phi chính thức như vay mượn người thân, hụi, họ, vay “chợ đen”,… vốn đi kèm nhiều rủi ro không thể lường trước.

Dư địa lớn để phát triển

Mặc dù liên tục tăng trưởng ấn tượng trong suốt 10 năm có mặt tại Việt Nam, thị trường cho vay tiêu dùng trong nước hiện vẫn luôn bị đánh giá là chưa phát triển hết tiềm năng và ở giai đoạn khởi đầu khi mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu thị trường, theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn “khoảng 60 triệu người dân sống ở các vùng nông thôn cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là tài chính toàn diện” để giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào tín dụng “đen” thông qua các tiệm cầm đồ để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách. 

Financial Times thì dẫn lời ông Kalidas Shose, Giám đốc điều hành của FE Credit cho biết, mặc dù sự cạnh tranh trong ngành này rất dữ dội, nhưng cũng lưu ý rằng chỉ có 15-20% dân số Việt Nam đang được phục vụ bởi ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng chính thốngs.

Một thống kê chính thức khác lại cho biết, các khoản vay tín chấp ở Việt Nam chỉ ở mức 23 tỷ USD trong năm 2017, tương đương với khoảng 10% GDP Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.   

Bên cạnh đó, thị trường này còn nhiều yếu tố để tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai như Việt Nam hiện đang trong giai đoạn dân số vàng với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm đa số, nền kinh tế  đang phát triển nhanh chóng  và thói quen tiêu dùng thay đổi theo hướng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

Không những vậy, theo WB, 3 triệu người Việt đã gia nhập vào tầng lớp trung lưu từ 2014-2016 và mỗi  năm có khoảng 900.000 người di chuyển từ nông thôn lên thành phố giúp tăng sức mua sắm cho thị trường.

Hiện tại, tiêu dùng cá nhân tại Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trong nhóm Asean 5 (bao gồm Malaysia, Indonesia, Philipinnes, Thái Lan và Việt Nam) với các khoản chi cho ô tô, đồ gia dụng, điện thoại thông minh, du lịch nghỉ dưỡng,…  

Chính vì vậy, đây được coi là giai đoạn thách thức, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho ngành tài chính tiêu dùng bứt phá trong tương lai. 

Hoàng Ngân/Reatimes.vn