“Nhiều nơi họ còn nói thời kỳ chống dịch mà sao chị tích cực thế, chị đi chơi đi chúng tôi còn đang nghỉ cách ly luân phiên. Nhưng Hà Nội thì chưa bao giờ có câu nói này” - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga đánh giá cao sự vào cuộc của TP Hà Nội trong công cuộc chống dịch, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi Covid 19.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho hay, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, DN đã chịu thiệt hại nặng nề trên tất cả lĩnh vực kinh doanh, ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.000 tỷ đồng, 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu. Các lĩnh vực du lịch, khách sạn... của Tập đoàn bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Để hỗ trợ cho các DN Hà Nội nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sau đại dịch Covid. Bà Nga kiến nghị:
Thứ nhất đối với bán lẻ và siêu thị, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, bà Nga kiến nghị TP cần tiếp tục tăng cường lực lượng an ninh, công an phường đến hỗ trợ tại các điểm bán lẻ vì nhiều lúc lượng người dân đến mua sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Và việc này lực lượng chức năng TP đang làm rất tốt.
Cùng với đó, TP tạo điều kiện cấp giấy phép lưu thông cho các phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa đi từ Hà Nội về các địa phương và ngược lại để nhằm điều kiện cung ứng hàng hoá vào TP được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Thứ ba, TP cho các DN được thi công, cải tạo các điểm bán lẻ, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Thứ tư, hỗ trợ chi phí để các siêu thị có thể cung cấp cho nhân dân các vùng có dịch như chi phí vận chuyển, bảo hộ y tế cho nhân viên bán hàng.
Đối với khách sạn, du lịch, dịch vụ để giảm tổn thất cho DN, TP nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân golf. Dù biết khó nhưng Chủ tịch BRG vẫn mạnh dạn nói "đề nghị nhanh chóng cho mở cửa lại các khách sạn, sân golf kèm theo các điều kiện về an toàn, đảm bảo công tác chống dịch".
"Cụ thể như nhóm chơi golf không quá 8 người, đứng cách xa nhau 2m để giảm tổn thất cho DN vì phải duy trì chi phí vận hành trong khi không có nguồn thu. Hàng nghìn công nhân của chúng tôi đã phải nghỉ việc", bà Nga nói.
DN cùng chung tay với TP chống dịch Covid-19Bên cạnh đó, bà Nga đề nghị TP giảm mức thuế thu nhập DN 50%; thay đổi cách hạch toán phí dịch vụ; Miễn hoặc giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng; tiền thuê đất; thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong năm 2020. Đồng thời, TP cần trích ngân sách để lập quỹ kích cầu du lịch cho Hà Nội, tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch ngay sau khi dịch bệnh kết thúc vào các thị trường trọng điểm để thu hút khách.
Đối với các công trình xây dựng trong điểm, bà Nga đề nghị cần đơn giản hoá các thủ tục hành chính về cấp phép nghiệm thu, thanh tra… tạo điều kiện để các dự án sớm khởi công đưa vào sử dụng. Tạo điều kiện để các xe vận chuyển nguyên vật liệu, lao động... ra vào TP để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng lao động từ các tỉnh vào xây dựng tất nhiên là vẫn tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19.
Với các dự án đầu tư xây dựng có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn, tác động mạnh đến kinh tế Thủ đô cần được hỗ trợ đẩy nhanh quá trình thủ tục hành chính, cho kịp khởi công tạo động lực, cú hích cho phát triển nhanh.
“Đặc biệt là với những dự án thuộc chủ đầu tư là Tập đoàn kinh tế tư nhân và nước ngoài có tiềm lực tốt và có cam kết năng lực tài chính góp vốn vào dự án , góp phần khơi thông dòng vốn FDI của Hà Nội”. Áp dụng các cơ chế đặc biệt giải quyết nhanh các thủ tục về đất đai như công viên, giải trí, khách sạn… nên được triển khai trong giai đoạn này để sẵn sàng đón đầu du lịch tăng trưởng trở lại.
Với những dự án mà BRG đang vướng mắc, bà Nga cho biết Tập đoàn hiện có các dự án như TP thông minh (huyện Đông Anh), công viên Hello Kitty (quận Tây Hồ)... đều kết hợp với Nhật Bản. Riêng với dự án công viên Hello Kitty ở quận Tây Hồ, BRG mong muốn TP Hà Nội sớm giao đất để DN triển khai dự án. DN đã phải chi trả 150.000 USD cho Tập đoàn Hello Kitty tại Nhật Bản. Hiện nay, dự án vẫn chưa được bàn giao đất mặc dù đã có chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt quy hoạch.
Theo vị lãnh đạo DN này, với hơn 2.000m2 để xây dựng, dự án này không chiếm quá nhiều quỹ đất, lại không phải xây nhà ở để bán mà là công viên cho các cháu thiếu nhi, do đó rất mong Thành ủy HĐND, UBND khẩn trưởng đưa ra những quyết sách để đưa công trình được đưa vào xây dựng, khai thác và trở thành một trong những công viên giải trí đẳng cấp cho trẻ em cũng như khách du lịch khi đến với Thủ đô Hà Nội.
“Kính đề nghị Hà Nội xem xét giúp đỡ chúng tôi triển khai dự án càng nhanh càng tốt”- bà Nga bày tỏ và mong muốn: Thời gian này TP Hà Nội vẫn liên tục duy trì họp trực tuyến để tiến hành thẩm định và đẩy nhanh các dự án. Chính thời gian này cũng là cơ hội cho các DN đầu tư có thể quyết tâm hoàn thiện pháp lý.
“Thực ra Hà Nội đã nhanh hơn các tỉnh thành lớn trong cả nước rất nhiều, chúng tôi có các dự án các nơi thấy rằng Hà Nội vẫn là tích cực nhất. Nhiều nơi họ còn nói thời kì chống dịch mà sao chị tích cực thế, chị đi chơi đi chúng tôi còn đang nghỉ cách ly luân phiên. Nhưng Hà Nội thì chưa bao giờ có câu nói này”, bà Nga nhận xét và mong Hà Nội tiếp tục thúc đẩy hơn nữa và DN sẽ dành tập trung thời gian ổn định sản xuất kinh doanh.
“Lãnh đạo TP Hà Nội có niềm tin rằng, Thủ đô Hà Nội sẽ có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, duy trì sản xuất kinh doanh đồng thời nạp năng lượng, tạo hiệu năng để lò xo kinh tế bật mạnh trở lại. Tôi mong BRG và các DN cùng chung tay với lãnh đạo TP không nghỉ trong cuộc chiến chống Covid-19”- vị doanh nhân bày tỏ.
Có mặt tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, lãnh đạo Hà Nội đã có niềm tin tuyệt đối của nhân dân trong phòng, chống dịch. Việt Nam là một trong số rất ít nước bước đầu khống chế dịch bệnh lây lan; Thủ đô Hà Nội cũng là một trong số ít những thủ đô kiểm soát tốt dịch Covid-19. Ông Vũ Tiến Lộc tin rằng Hà Nội là địa phương đi đầu trong khống chế dịch thì Hà Nội cũng sẽ tiên phong trong tái khởi động nền kinh tế, bằng việc bảo đảm môi trường đầu tư tốt hơn cho DN. Điều này được thể hiện rõ ở quý I/2020, khi lần đầu tiên số DN trên cả nước thành lập mới thấp hơn số DN rút khỏi thị trường, nhưng với Hà Nội thì ngược lại. |