Chỉ xét nguyện vọng với người có nhu cầu về nước mức khẩn thiết

Chiều 14/1, tại cuộc họp báo đầu năm 2021 của Bộ Ngoại giao, trao đổi với yêu cầu thông tin về việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước trướt Tết Nguyên đán trong bối cảnh đặc biệt của năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhắc lại, như đã thông tin, suốt thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam phối hợp với các nước bạn và các hãng hàng không tổ chức gần 300 chuyến bay đưa hơn 80.000 người Việt từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Người phát ngôn nhấn mạnh nguyên tắc, việc đưa công dân về nước cũng phải phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, trong nước cũng như năng lực cách ly trong nước.

Do chủng mới của virus Sars-covi-2 xuất hiện và lây lan nhanh ở nhiều nước trên thế giới với mức độ nguy hiểm cao, khó kiểm soát nên vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo hạn chế tối đa các chyến bay đưa người Việt ở nước ngoài về nước từ nay tới Tết Nguyên đán.

Theo chỉ đạo này, trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về phải được các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, thông tin từ cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đến thời điểm này, có nhiều người Việt đăng ký về nước từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu. Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để lên kế hoạch, phương án đưa các công dân có nhu cầu thật sự khẩn thiết về nước sao cho phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh cũng như năng lực cách ly trong nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì cuộc họp báo đầu tiên năm 2021 của Bộ này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì cuộc họp báo đầu tiên năm 2021 của Bộ này.

Nguời phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, đây phải là những công dân có nhu cầu thực sự khẩn thiết phải về nước.

Lo ngại về hiệu quả bảo vệ của vắc xin với các chủng Covid-19 mới

Liên quan đến tình hình chống dịch, cập nhật thông tin về hoạt động thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax do Việt Nam tự sản xuất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu tinh thần, bên cạnh việc tập trung phòng chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung nguồn lực, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 ở trong nước.

"Mới đây, chúng tôi cũng đã liên hệ với Bộ Y tế để nắm thông tin về việc thử nghiệm vắc xin này và được cho biết, ngày 12/1 vừa qua, Học viện quân y đã thử nghiệm tiêm vắc xin Nanocovax với liều cao nhất (75mg) cho 3 tình nguyện viên. Việc thử nghiệm vắc xin tuân thủ chặt chẽ các quy trình, quy định của tổ chức Y tế thế giới về độ an toàn, hiệu quả chống dịch bệnh của vắc xin" - bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, phía Bộ Y tế cũng cho biết, vắc xin Nanocovax được xác định là phát triển, sản xuất theo quy trình protein tái tổ hợp và đến giờ chưa có thấy có bằng chứng cho thấy bất cứ dòng/chủng Covid-19 nào chống lại được tác dụng của vắc xin.

Kết quả cụ thể và thực tế của dòng vắc xin do Việt Nam tự sản xuất này, theo bà Hằng, cần theo dõi trong thời gian tới.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online

Nguồn: https://ngaynay.vn/chua-co-chung-covid-19-nao-khang-duoc-vac-xin-nanocovax-cua-viet-nam-post102332.html