Ngày 13/10, Bộ Y tế tổ chức giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch Covid -19 với các địa phương trong cả nước.
Đánh gia công tác phòng chống dịch, ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ đánh giá nào đầy đủ của cả nước về dịch Covid- 19, còn rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến này. Nhiều dự báo cho thấy dịch có thể kéo dài tới cuối năm 2021 nên luôn phải trong tâm thế sẵn sàng
“Việt Nam dù đã 41 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nhưng nguy cơ xâm nhập luôn thường trực. Mùa đông năm nay dự báo là rất khốc liệt trong chống dịch Covid -19. Nhiều quốc gia đã phát hiện ca bệnh xâm nhập trở lại và lây nhiễm ra cộng đồng” - ông nhấn mạnh.
Các địa phương phải rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch.
Theo đó, ông Long đề nghị tiếp tục giữ 5 nguyên tắc: ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả, nhưng “ dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đặc biệt, cần phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa đông xuân năm nay, nếu không sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, “cuống” trong chống dịch.
Vì vậy các địa phương cần rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch; các sở y tế địa phương có ứng phó các tình huống như dịch Covid -19 xảy ra tại một nhà máy với mấy chục nghìn công nhân hay tại cộng đồng dân cư?
Tại Hội nghị trực tuyến, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khẳng định trong phòng chống dịch, việc truy vết những trường hợp F1 là yếu tố sống còn và coi Đà Nẵng là ví dụ điển hình. Ngành Y tế kiên quyết không cho phép F1 cách ly tại nhà. Việc truy vết, cách ly càng nhanh, càng tốt, sớm chừng nào hay chừng đó.
Đồng thời, ngăn chặn dịch có hiệu quả từ bên ngoài, tập chung chuyên gia nước ngoài, những người hồi hương, những người nhập cảnh. Vì vậy, các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp biên phòng giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly, giao trách nhiệm rõ ràng.
Các địa phương cần chủ động tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực xét nghiệm, tiến hành đấu thầu mua sắm ngay trang thiết bị, vật tư chống dịch để không bị động khi dịch xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đến 18h ngày 13/10/2020 Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, BN1.111 tại tỉnh Bạc Liêu: nữ, 20 tuổi, có địa chỉ tại xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá.
BN1.112 tại tỉnh Bạc Liêu: nữ, 26 tuổi, có địa chỉ tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Ngày 26-9, 2 bệnh nhân trên từ Liên bang Nga nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9495, được cách ly ngay tại Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu. Ngày 27-9, các bệnh được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Ngày 12-10, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính với vSARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 20 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại tỉnh Bạc Liêu.
BN1.113 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: nam, 37 tuổi, quốc tịch Malaysia, là chuyên gia dầu khí. Ngày 10-10, bệnh nhân từ Malaysia nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay MH766, được cách ly ngay tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 12-0, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.
Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.845, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 143; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.451; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.251 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.026 bệnh nhân/1.113 bệnh nhân Covid -19. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 25 ca âm tính với SARS-CoV-2, trong đó 8 ca âm tính lần 1; 2 ca âm tính lần 2; 14 ca âm tính lần 3.