Chúng nhỏ bé quá, đơn độc quá trong quá trình cạnh tranh để hội nhập quốc tế. Đấy, lại một lần nữa thị trường lúa gạo của Việt Nam hiện đang phát ra tín hiệu SOS bởi nông dân không đủ sống bằng nghề này, thị trường trong nước thừa ứ, xuất khẩu thì không được vì giá thành cao. Tại sao vậy? Có nhiều lý do mà trong đó có một nguyên nhân rất cơ bản là sản xuất manh mún, năng suất lao động thấp, giá thành cao.

Cách đây hơn 4năm, nhiều người dân Việt Nam đã “nóng mặt” khi nhận được thông tin rằng, Việt Nam không làm nổi một con ốc vít cho chiếc điện thoại Samsung. Khi đó là năm 2013, Samsung đã xuất khẩu điện thoại di động với tổng giá trị đạt 23,9 tỷ đôla, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung ứng được sản phẩm in ấn, bao bì. Còn 170 linh kiện như ốc vít, sạc pin thì không đáp ứng được.

Lý do được nêu ra khá nhiều, nào là cả thời gian dài, Nhà nước thiếu chính sách khuyến khích phát triển nền công nghiệp phụ trợ, nào là các doanh nghiệp không chỉ nhỏ mà là quá nhỏ, lại không chú trọng đầu tư nên công nghệ cũ kỹ, lạc hậu 2-3 thế hệ so với các nước láng giềng, nào là hệ thống quản lý chất lượng, rồi quản trị doanh nghiệp yếu kém...

Thế rồi sau đó, nhiều cuộc hội thảo về phát triển công nghệ phụ trợ đã diễn ra, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành, nhiều doanh nghiệp đã đổ công đổ của vào lĩnh vực này, cho đến khi mới đây, tức là khoảng 4 năm sau, ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (Hà Nội), đã thốt lên cay đắng: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những con ốc vít đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng sẽ không bán được”.

Tại sao không bán được? Lý do vẫn giống như “hạt gạo làng ta” là sản xuất nhỏ lẻ, đơn độc, năng suất lao động thấp, giá thành cao, và vì thế, nó không đạt tiêu chuẩn để nằm trong một chuỗi giá trị mà thị trường yêu cầu.

Thế là mất đứt mấy năm ròng mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn “cay mũi” vì câu chuyện con ốc vít.

Là một người dành nhiều tâm sức cho công việc này, ông Lê Thanh Thủy cho biết, doanh nghiệp của ông đã làm với các tập đoàn lớn của Nhật. Họ đòi hỏi nhiều, từ chuyên nghiệp về quản trị, môi trường, hệ thống quản lý sản xuất… đến mẫu sản phẩm. Nếu không có sản phẩm mẫu, không làm việc được với họ. Khi đã vượt qua vòng tuyển mẫu, khó khăn còn lớn hơn, đó là phải có tiền để thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp Nhật không có cơ chế tạm ứng, dù đơn hàng cả chục tỷ đồng. Nghĩa là, một đơn hàng thực hiện trong 3 tháng, nếu tính cả thời gian thanh toán có thể lên tới 4-5 tháng. Nếu vay ngân hàng thì lãi suất cho vay trung bình là 10%/năm cũng không dễ, vì thế, giá thành cao là điều dễ hiểu.

Đấy, chỉ một con ốc vít nhỏ như hạt gạo kia không chỉ động đến chính sách của quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế mà còn là minh chứng về sức mạnh của từng doanh nghiệp, bản lĩnh của mỗi doanh nhân.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, để “hạt gạo làng ta” muốn đổi đời thì một trong những yếu tố quyết định là cần phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp Việt Nam. Thực ra, đã được hình thành từ lâu nhưng đến nay, vẫn tựa như “đứa con ngoài giá thú” trong suy nghĩ của nhiều người.

Khác với nhiều loại hình bất động sản như nhà ở, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng..., chỉ cần vài nghìn mét vuông đất trong tay là có thể hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng với bất động sản nông nghiệp thì có cả mấy chục lần ngần ấy cũng chẳng ai thèm để mắt đến.

Vậy làm thế nào để có thể để khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, năng suất lao động thấp, giá thành cao... trong nông nghiệp hiện nay?

Công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (Israel) được áp dụng tại nông trường VinEco.

Công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (Israel) được áp dụng tại nông trường VinEco.

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực mạnh như Vingroup, MaSan, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Pan group… đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Với quy trình sản xuất hiện đại và sử dụng công nghệ tiên tiến, thị trường bất động sản nông nghiệp đã mang lại cho họ những kết quả ban đầu, tuy nhiên vẫn chiếm tỷ lệ quá bé nhỏ so với thị trường bất động sản nói chung và tiềm năng của nông nghiệp của Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia, điều khúc mắc nhất trong vấn đề này là các chính sách hỗ trợ cho việc tích tụ ruộng đất. Hiện nay, để có được những nông trại có diện tích hàng ngàn héc ta, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra bước đột phá về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nhiều địa phương có sáng kiến là “đi đường vòng”!

Chẳng hạn, ở tỉnh Hà Nam, chính quyền cấp huyện, cấp xã đứng ra thuê đất của dân 20 năm, sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng như thời gian thuê đất và giá thuê đất của dân. Nông dân vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Hà Nam cũng thí điểm lấy ngân sách tỉnh ứng trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm. Doanh nghiệp sẽ trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại. Nhờ đó, Hà Nam đã quy hoạch được 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 654,7ha.

Dư luận nhìn chung là hoan nghênh sự sáng tạo này của Hà Nam bởi với cơ chế như hiện nay, các nhà đầu tư không thể “đi đường thẳng” vì nhiều lý do khác nhau, trong đó hẳn có một lý do trọng yếu là môi trường phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản.

Có người lắc đầu, đến nay, khi khái niệm thế nào là thị trường bất động sản còn chưa rõ ràng thì làm sao mà hoạch định được con đường phát triển cho nó đây? Và vì thế, câu chuyện con ốc vít nhỏ như hạt gạo kia cũng như việc khai thông thị trường bất động sản Việt Nam vẫn luôn là đề tài nóng bỏng.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Theo reatimes.vn/reablog