Những mùa Trung thu trước, thời điểm này khắp nơi đã rục rịch tổ chức các hoạt động dành cho trẻ nhỏ, phố phường ngợp sắc màu, các tiệm bánh trái đông lên trông thấy. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, không ít các hoạt động vui chơi giải trí, phá cỗ trông trăng hay hoạt động mua sắm trở nên hiu hắt.
Không tổ chức vì lo chống COVID-19
Hơn 10 ngày nữa sẽ đến Tết Trung thu, tuy nhiên khắp phố phường, khu dân cư dường như người dân vẫn không cảm nhận được không khí thực thụ. Nguyên nhân do dịch COVID-19, người dân vẫn đang loay hoay với vòng xoáy "cơm áo gạo tiền" nên những hoạt động vui chơi, mua sắm hay dành những gì tốt nhất cho con trẻ chưa thực sự trọn vẹn như những năm trước.
Những mùa Trung thu trước, các khu đô thị, khu chung cư, khu dân cư khắp Hà Nội đều nổi lên nhiều hoạt động vui nhộn, thiết thực dành cho trẻ nhỏ. Thậm chí, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… đều có nhiều hoạt động giảm giá, khuyến mại, kích cầu dành cho gia đình, trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại Hà Nội, năm nay các hoạt động này đang bị cắt giảm, thậm chí nhiều nơi không tổ chức, không có nhiều hoạt động mùa Trung thu.
Trao đổi với chúng tôi, một thành viên trong Ban Quản trị chung cư tại KĐT Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Các mùa Trung thu trước, Ban Quản trị phối hợp với chủ đầu tư, Ban Quản lý chung cư cùng tổ chức cho con em cũng như cư dân hàng loạt hoạt động vui nhộn. Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chúng tôi thống nhất không tổ chức các hoạt động linh đình như mọi năm, thay vào đó chỉ tổ chức các hoạt động giải trí dịp cuối tuần chứ không tổ chức đêm cỗ trông trăng tụ tập đông người".
Các hoạt động mua bán, vui chơi Trung thu 2020 không còn nhộn nhịp như nhiều năm trước. Ảnh: Lê Bảo
Cũng trao đổi về điều này, một Tổ trưởng dân phố thuộc chung cư tại quận Hà Đông (Hà Nội) nói: "Năm nay do dịch COVID-19, thay vì tổ chức vui Trung thu tập trung, các thành viên trong Ban Quản trị, tổ dân phố cùng nhiều cư dân sẽ trực tiếp đến từng gia đình có trẻ nhỏ phát những món quà mang tính tinh thần".
Việc nhiều khu chung cư, khu đô thị, khu dân cư tại Hà Nội không tổ chức tập trung Tết Trung thu cho trẻ nhỏ trong bối cảnh mới của dịch COVID-19 đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Chị Thanh Bình (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói: "Là cha mẹ, ai cũng mong trẻ nhỏ có được những giây phút vui tươi, hạnh phúc trong mùa Trung thu. Tuy nhiên, vì dịch COVID-19 nên những hoạt động dành cho trẻ nhỏ không được như những năm trước là điều dễ hiểu".
Thị trường đồ chơi, bánh trái hiu hắt
Hình ảnh phố Hàng Mã nhộn nhịp từ giữa tháng 7 (Âm lịch) những năm trước.
Phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được mệnh danh là "thủ phủ" đồ chơi mỗi mùa Trung thu đến, luôn thu hút hàng vạn người dân kéo đến mua sắm. Nhưng những ngày qua, con phố này không nhộn nhịp như những mùa Trung thu trước.
Chị Huyền - một người bán hàng tại phố Hàng Mã cho biết: "Mọi năm vào dịp này, lượng hàng bán ra gấp nhiều lần so với năm nay. Những tiểu thương vùng lân cận Hà Nội cũng rầm rập có mặt tại đây để mua sắm, nhưng năm nay ít hơn hẳn. Bên cạnh đó, do nhiều nơi hạn chế tổ chức Trung thu tập trung đông người nên lượng hàng hóa như: Đèn lồng, đèn kéo quân, các loại trống, đầu lân, mặt nạ… cũng tiêu thụ chậm. Đặc biệt, đối với khách lẻ, các phụ huynh cũng không còn chi mạnh tiền cho con trẻ để mua đồ chơi như mọi năm. Hầu hết những món đồ gia đình mua cho trẻ nhỏ chỉ ở mức từ vài chục nghìn đồng đến dưới 200.000 đồng".
Tết Trung thu không chỉ dành cho thiếu nhi, trẻ nhỏ mà còn là dịp để bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đến bạn bè, đối tác, người thân… Chính vì vậy, mặt hàng bánh Trung thu không thể thiếu dịp này. Nếu những mùa Trung thu trước dễ dàng nhận thấy các quầy bánh của hàng chục thương hiệu trong nước mọc lên khắp các trung tâm thương mại, siêu thị, đường phố, góc ngã tư tại Hà Nội, nhưng năm nay nhiều thương hiệu ước lượng được sức tiêu thụ của người dân nên không bày bán rầm rộ.
Bánh Trung thu là mặt hàng không thể thiếu nhưng sức mua giảm sút mạnh vào dịp này.
Bên cạnh đó, mặt hàng bánh cổ truyền thường được người dân ưa chuộng thì năm nay sức tiêu thụ cũng hạn chế phần nào. Theo khảo sát tại phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) - nơi biết đến với hàng chục thương hiệu bánh cổ truyền thường được người dân kéo đến mua sắm thì dịp này không còn sôi động. Đơn cử như tại một thương hiệu bánh cổ truyền nổi tiếng, cứ dịp này nhiều năm liên tiếp người dân phải xếp hàng dài từ sáng sớm đến đêm khuya để mua bánh, thậm chí thời gian xếp phải mất từ 1-2h mới đến lượt mua và mỗi lần mua cửa hàng chỉ bán số lượng nhất định. Dù chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng lượng người mua một thời điểm này chỉ khoảng 10 người, không ai phải đợi chờ, xếp hàng.
Đối với mặt hàng bánh handmade thường được chào bán trên mạng xã hội hay các kênh online cũng chứng kiến sự tẻ nhạt trông thấy. Nguyên nhân được cho rằng nhu cầu của người dân mua sắm bánh Trung thu không còn quá quan trọng. Người dân mua cầm chừng chứ không mạnh tay chi tiêu như những năm trước.