Liên quan đến đầu tư vốn của các quỹ và nhà đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, ngoài các cách gọi vốn mà các bạn trẻ thường hỏi, còn có vấn đề khác lớn hơn đó là tính pháp lý của quan hệ này, hay nói cho đúng là hoạt động đầu tư vốn này phải được luật hóa.
Hầu như toàn bộ startup không thể có vốn đủ để kinh doanh mà phải huy động vốn. Nếu đi vay ngân hàng thì không thể được hoặc rất khó khăn vì startup chưa chứng minh được khả năng sinh lời. Cho nên, họ chỉ trông chờ vào nguồn vốn của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư.
Đối với quan hệ này, trên thực tế cũng phát sinh nhiều tranh chấp, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, thậm chí từ đó dẫn đến sập tiệm. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Theo một chuyên gia kinh tế đầu tư, Luật hóa hoạt động về vốn khởi nghiệp làm cho các nhà đầu tư tin cậy, được bảo vệ vốn bằng luật, thì họ sẽ mạnh dạn bỏ tiền ra cho các startup.
Và như vậy, có nghĩa là đồng tiền trong xã hội được huy động hiệu quả, hỗ trợ cho các doanh nhân khởi nghiệp cũng là mang lại lợi ích cho xã hội, cho nền kinh tế đất nước.
Con số thống kê 90% startup thất bại, nhưng chỉ ra nguyên nhân vì sao mới cần thiết, để qua đó tìm cách khắc phục. Có lẽ, khó khăn về nguồn vốn là nguyên nhân chính, nó khiến cho startup bế tắc, hoặc bị hạn chế sức sáng tạo.
Chính vì lẽ đó, các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư đặt vấn đề về xây dựng và ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm. Việc ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm là một giải pháp tích cực, sẽ mang lại hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã có luật này và bản thân nó đã chứng minh được vai trò của mình trong thị trường vốn đầu tư, Việt Nam nên tham khảo.
Gần đây, một số chuyên gia kinh tế phân tích về mối quan hệ giữa satrtup và nhà đầu tư, một bên là muốn bảo đảm được vốn và quyền lợi, một bên huy động được vốn nhưng không bị mất quyền kiểm soát.
Muốn đảm bảo được lợi ích của hai bên, thì vấn đề không chỉ là xây dựng lòng tin theo cảm tính, mà phải được ràng buộc bằng pháp luật.