Từ lâu rồi, hễ hờn giận cái “nết” đỏng đảnh “sớm nắng – chiều mưa” của Sài Gòn, lòng người lại nghĩ đến chuyện trốn đi, quẳng hết gánh lo mưu cầu công danh, vật chất để thu trọn vào người chút niềm tự tại, an nhiên. Rồi người tìm đến An Giang, thả mình vào đất trời, để thấy lòng mình cũng bao la như xứ Bảy núi, đến cũng chẳng biết, mình đang ở miền Tây Nam bộ hay xứ trời Tây nào nữa!
Với bản thân tôi, An Giang là một vùng đất thi vị và độc đáo. Thi vị ở chỗ đặt chân đến đâu, chụp những góc ảnh nào cũng thấy đẹp lạ thường. Tựa hồ như thành phố hoa Đà Lạt, cứ buông lơi góc máy, chẳng cần mảy may ngẫm nghĩ tính toán gì cũng có thể sở hữu một bức ảnh “nghìn like”, nên thơ một cách lạ lùng. Mà độc đáo nhất là ở chỗ, tọa lạc giữa miền Tây sông nước mà nơi đây lại được được mệnh danh là “vùng Bảy núi”, bao nhiêu đó, đủ để tạo nên điều khác biệt chẳng lẫn vào đâu.
An Giang, trong mắt của những “lữ khách” phương xa, có 2 mùa rõ rệt: mùa lễ hội và mùa nước nổi. Lễ hội nơi đây đa dạng đến mức mỗi năm đón hàng triệu lượt khách đến viếng thăm, chiêm bái. Quy mô và thu hút nhất là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Dù diễn ra từ 22 đến 27-4 âm lịch nhưng từ đầu tháng đã nhộn nhịp khách phương xa. Thậm chí, các nẻo đường miền Tây những ngày này, cũng đông đột xuất, đến cả cánh tài xế cũng hồ hởi bảo nhau: “Lái xe mấy ngày này mệt lắm, người dân tứ xứ đổ về. Nhưng mà vui”. Rồi dẫu chẳng quy mô như Lễ hội vía Bà, nhưng Lễ khai sáng Phật giáo Hòa Hảo của huyện nhỏ Phú Tân vẫn đủ khiến ngàn người ấm lòng với cả con đường ăn uống “miễn phí” tặng khách phương xa. Chuyện nghe có vẻ khó tin, thế nhưng, người dân An Giang hào sản vậy đó!
Muốn thấy một An Giang khác lạ, xanh mướt mắt như một “nàng thơ” thì chỉ có mùa nước nổi. Đây cũng là mùa sản vật về, xứ Bảy núi lại được dịp khoác chiếc áo xanh. Màu xanh tươi mới của cây cối sau trận mưa giăng, xanh của những cánh đồng ngút ngàn, xanh của vạt bèo phủ kín mặt nước và cả xanh trong mắt của những người trót phải lòng nơi đây.
Theo cách hình dung của những người trẻ, An Giang nhẹ nhàng và trong veo lắm. Cũng thảm cỏ, cũng mây trời xanh biếc, cũng ruộng lúa thênh thang mà vùng đất miền Tây bỗng nhiên đẹp ngỡ ngàng như đất nước mặt trời mọc. Cách họ kể về An Giang - vùng đất chôn nhau cắt rốn, thì mỗi ngóc ngách, cung đường quen thuộc… cũng trở nên đơn giản, nhẹ nhàng như cách kể lại tình yêu.
“Bộ ảnh vô tình được thực hiện khi mình dẫn 2 người bạn lần đầu về thăm An Giang. Trên đường đến Tri Tôn, mọi người dừng chân nghỉ ngơi và tranh thủ lúc này, bộ ảnh ra đời” – “tay máy” 9X Sơn Đoàn chia sẻ.
Chẳng hề sắp xếp, chẳng lên concept, thậm chí khung cảnh này có thể tìm thấy ở bất kì đâu tại vùng đất Bảy núi nhưng nên thơ một cách lạ kì. Mà phải rồi, cần gì những điều xa xôi, một khung cảnh ngát xanh, một bầu trời hửng nắng đã là góc nhìn yên ả của người con An Giang muốn giới thiệu đến khách phương xa chân thành của những người trẻ đã đủ thấy quê hương xít lại gần.
Người săn ảnh Rừng tràm, Búng Bình Thiên, Tà Pạ, Cô Tô,… nhưng cũng có người thích thu một khoảng trời “đại trà” của Tri Tôn vào ống kính. Để mấy khi nhìn lại, chắc chỉ có những người “rặt” miền Tây mới kịp nhận ra: đây chính là quê hương.
Người “chơi ảnh” xuýt xoa góc nhìn tươi mới, hiện đại của “tay máy” trẻ, còn những người xa quê, chỉ cần thấy thấp thoáng dáng núi xa xa, thấy rặng thốt nốt bắt đầu vào mùa thu hoạch là đủ để thốt lên: An Giang đây nè, chứ còn đâu!
Ảnh: Sơn Đoàn