Ngành ngân hàng vẫn chiếm “ngôi vương” về mức thưởng Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa

Ngành ngân hàng vẫn chiếm “ngôi vương” về mức thưởng Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa

Hóng chuyện thưởng Tết

Hàng năm, cứ mỗi độ năm hết Tết đến, chẳng ai bảo ai, người ta lại hóng lên hóng xuống tình hình thưởng Tết năm nay. Những tin đồn chẳng biết bắt đầu từ đâu cứ len lỏi, tai nọ truyền tai kia đến mọi ngóc ngách, xen cả vào mấy câu chuyện buôn dở lúc giữa giờ của các chị em rồi tràn qua vại bia khi tan tầm của các anh la cà ngoài phố.

Cũng chẳng phải chỉ mỗi người làm công ăn lương mong ngóng tin thưởng chính thức, hàng xóm bạn bè họ hàng gia đình cũng rục rịch chờ đợi những tin bên lề, những dòng tít trên báo để thăm dò. Và câu chuyện của bà bán trà đá đầu ngõ với ông xe ôm rảnh rỗi thời Grab, Uber cũng “đá dọc, đá ngang” vài câu sang vấn đề nóng bỏng này. Bà bán rau chợ sáng thấy chị khách quen tất tả chạy cho kịp giờ con học vẫn cố níu lại bằng câu nói: “Ấy nghe nói năm nay thưởng Tết đậm lắm hả em ơi?”.

Giữa “thiên la, địa võng” những tin ngoài lề và tin chính thống, có một điều rằng thưởng Tết ngành ngân hàng năm nào cũng được quan tâm nhất. Kể cả giữa lúc kinh tế lên đỉnh, nhân viên ngân hàng hỉ hả với con số vừa được cộng thêm vào tài khoản, hay lúc mỗi người bần thần xách quyển lịch và cọc tiền lẻ nguyên seri được phát theo định mức về ăn Tết, bọc cả hy vọng có một khoản thưởng Tết như ý vào trong nỗi buồn năm cũ, dù ít dù nhiều, thưởng Tết của dân ngân hàng vẫn cứ khiến báo chí tốn không biết bao nhiêu là giấy mực.

Thế nên, cứ tầm cuối năm, chuyện thưởng Tết ngân hàng lại được hâm nóng. Chỉ một tin ngân hàng cổ phần nọ thưởng Tết tới 7 tháng lương đã nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ từ các độc giả khắp đất nước, từ Nam chí Bắc. Cả cơ quan đang hì hụi tổng kết báo cáo, đột nhiên góc phòng có tiếng “ré” lên, thế là già trẻ gái trai cả cơ quan rục rịch gạt việc qua một bên, mở web đọc cho kỳ hết. Đọc xong thì hết chị kế toán lẩm bẩm mở Excel tính “sơ bộ” số tiền một nhân viên mức trung bình nhận được là bao nhiêu…

Ấy là thưởng nhiều, còn hễ cứ năm nào ngân hàng thưởng Tết ít, hoặc không có thưởng, là y như rằng dân tình vẫn moi được chuyện để bàn. Người trong cuộc thì ngao ngán là đương nhiên, người ngoài cuộc thì đoán già đoán non, chắc là làm ăn thua lỗ mới không có nổi thưởng Tết cho anh em, chắc là giữ lợi nhuận để năm sau đầu tư tiếp, chắc là công bố vậy thôi chứ làm gì có chuyện cắt thưởng… Hàng trăm cái “chắc là” của thiên hạ vẫn cứ mãi “chắc là”, bởi sự tình bên trong, hiểu rõ nhất phải là người trong cuộc.

Lộ kỷ lục thưởng Tết

Sở LĐTB&XH Hà Nội vừa tổng hợp báo cáo của 5.025 danh nghiệp về tình hình tiền lương năm 2018 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch năm 2019 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất vẫn thuộc về khối doanh nghiệp FDI với mức thưởng cao nhất là 60 triệu đồng/người. Mức thưởng bình quân Tết Dương lịch của khối này là 600.000 đồng/người, tăng 9,1% với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.

Nhóm các Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đứng thứ 2, với mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người. Mức thưởng bình quân Tết Dương lịch của khối này là 1,05 triệu đồng/người, tăng 5,1% với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.

Tiếp sau là khối doanh nghiệp dân doanh với mức thưởng 16,7 triệu đồng/người. Mức thưởng bình quân Tết Dương lịch của khối này là 660.000 đồng/người, tăng 1,2% với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.

Đứng cuối cùng là nhóm các Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước với mức thưởng cao nhất là 12 triệu đồng/người. Mức thưởng bình quân là 620.000 đồng/người, tăng 3,3% với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.

Về mức thưởng Tết Nguyên đán, đứng ở vị trí dẫn đầu là khối doanh nghiệp FDI với số tiền là 396 triệu đồng/người. Mức bình quân thưởng Tết Nguyên đán là 4,8 triệu đồng/người, tăng 4,4% so với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 750.000 đồng/người.

Khối doanh nghiệp dân doanh đứng thứ 2 với mức thưởng Tết Nguyên đán là 72 triệu đồng/người. Mức bình quân thưởng Tết Nguyên đán là 4,2 triệu đồng/người, tăng 6,3% so với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 660.000 đồng/người.

Đứng thứ 3 là khối Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 40 triệu đồng/người. Mức bình quân thưởng Tết Nguyên đán của khối này là 3,8 triệu đồng/người, tăng 3,3% so với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 800.000 đồng/người.

Xếp cuối cùng là mức thưởng của nhóm các Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước với mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người. Mức bình quân thưởng Tết Nguyên đán là 4 triệu đồng/người, tăng 3,8% so với năm trước. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 650.000 đồng/người.

Tại TP HCM, mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cao nhất là 1 tỷ 170 triệu đồng, thuộc về một ngân hàng có trụ sở tại TP HCM. Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp là 10,032 triệu đồng một người. Đối với Tết Dương lịch, mức thưởng Tết cao nhất của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 500 triệu đồng, trong khi mức thưởng trung bình của khối này là 9,4 triệu đồng, cao hơn năm ngoái 60%. Mức thưởng bình quân chung của các doanh nghiệp là 4,4 triệu đồng một người, cao hơn năm trước 28%.

Còn tại Bắc Ninh, 92,89% DN trên địa bàn báo cáo có thưởng Tết Dương lịch với mức bình quân gần 1,2 triệu đồng/người; mức thưởng cao nhất là 262 triệu đồng, thuộc về một DN FDI. Số DN có thưởng Tết Nguyên đán chiếm 85,2% với mức thưởng trung bình hơn 5,9 triệu đồng/người; mức thưởng cao nhất từ một DN FDI là 350 triệu đồng.

Phía sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính tới thời điểm hiện tại có 898 DN trên địa bàn có báo cáo thưởng Tết. Theo đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất hơn 40,3 triệu đồng thuộc về DN dân doanh. Mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cao nhất là 80 triệu đồng, thuộc một công ty cổ phần.

Nhiều mức thưởng “khủng” nhưng không công bố

Liên quan tới quy định báo cáo, thưởng Tết, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết: “Tới nay, việc báo cáo về lương, thưởng cuối năm chưa được luật hoá. Do đó có thể nhiều doanh nghiệp còn có mức chi thưởng Tết cao hơn nhưng không báo về cơ quan chức năng”.

N. Lan

Theo Giadinh.net.vn