Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong tuần đầu tiên của tháng 8 sau khi giảm trong 2 tuần trước đó. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 43,07 điểm (5,4%) lên 841,46 điểm; HNX-Index tăng 5,268 điểm (4,9%) lên 112,78 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 1,42 điểm (2,6%) lê 56,22 điểm.

Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 4.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 7,1% xuống 21.784 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,8% xuống 1,37 tỷ cổ phiếu.

Với việc thị trường hồi phục trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng. Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, thống kê 112 cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đang giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, trong tuần từ 3 - 7/8 có đến 80 mã tăng giá so với tuần trước đó trong khi chỉ có 11 mã giảm giá.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản là HU6 của PT Nhà và Đô thị HUD6 với 45,1%. Giá cổ phiếu HU6 tăng từ 5.100 đồng/cp lên 7.400 đồng/cp chỉ sau 1 tuần giao dịch. Trên thị trường trong tuần qua không có thông tin nào xuất hiện đủ để giúp cổ phiếu này bật tăng mạnh như vậy. Tuy nhiên, mặc dù tăng giá mạnh nhưng HU6 lại có thanh khoản rất thấp với chỉ 3 phiên có giao dịch khớp lệnh và khối lượng cũng chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 3-7/8.

Tiếp sau đó, cổ phiếu VCR của Vinaconex – ITC cũng tăng đến 21,5% trong tuần vừa qua từ mức 8.363 đồng/cp lên 10.159 đồng/cp.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như DRH của DRH Holdings, AMD của FLC Stone, HQC của Địa ốc Hoàng Quân, SCR của Sacomreal hay ITA của Đầu tư CN Tân Tạo cũng diễn biến hết sức tích cực. Trong đó, DRH tăng gần 18% từ 5.430 đồng/cp lên 6.400 đồng/cp. Trong tuần qua, HĐQT của DRH đã bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Sơn – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc giữ chức vụ Tổng Giám đốc công ty từ ngày 3/8 với thời hạn 5 năm.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu LEC của BĐS Điện lực Miền Trung đứng đầu danh sách giảm giá với 13,8% từ 17.800 đồng/cp xuống 15.350 đồng/cp. LEC mới đây đã có giải trình về việc công ty báo lỗ sau thuế quý II/2020 5,4 tỷ đồng, tăng 425% so với mức lỗ 1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Theo đó, quý II/2020 chi phí lãi vay tăng mạnh đến 227,3% so với cùng kỳ, bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 20,3% do phân bổ chi phí trả trước ngắn hạn nên gây ra việc công ty báo lỗ như trên.

11 cổ phiếu bất động sản giảm giá trong tuần từ 3-7/8.

Trong danh sách giảm giá có 2 cái tên đáng chú ý là NVL của Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) và HPX của Đầu tư Hải Phát nhưng mức giảm của các cổ phiếu này là khá khiêm tốn.

Còn đối với 3 cổ phiếu họ “Vin”, VIC đi ngang tức vẫn giữ mức 87.500 đồng/cp, còn VHM tăng nhẹ 2,4% và VRE tăng 5,2%.

Khối ngoại thỏa thuận mạnh AGG

Dù không có được mức tăng giá mạnh nhưng cổ phiếu AGG của Bất động sản An Gia lại gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi bị khối ngoại bán ròng lên đến 119 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 8 và hầu hết là thông qua phương thức thỏa thuận. 

Trước đó, Quỹ đầu tư thuộc Creed Group đăng ký bán hơn 3,7 triệu cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 3/8 đến ngày 1/9. Dự kiến sau khi bán, Creed Group còn nắm giữ gần 5,4 triệu cổ phiếu AGG, tương ứng tỷ lệ 7,18%.

Các cổ phiếu bất động sản lớn như NVL, VIC, VRE và VHM đều nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường.

Chiều ngược lại, không có mã bất động sản nào nằm trong top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất trong tuần từ 3-7/8. Đơn vị: Tỷ đồng.


Theo Tuấn Hào/Reatimes