Số nhà máy xử lý nước thải thực tế thấp hơn so với lý thuyết

Sở xây dựng TP. Hà Nội cho biết, TP mới chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, với tổng công suất là 270.000m3/ngày đêm, 7 nhà máy này hiện chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu xử lý nước thải của thành phố. Còn 78% nước thải đô thị còn lại hiện đang được xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung là các sông, hồ chủ yếu cùng các môi trường xung quanh đô thị.

Ảnh 1.1 : Sông Tô Lịch - nơi có hệ thống thoát nước chung tiếp nhận hầu hết các nguồn nước thải chưa được xử lí

Sông Tô Lịch - nơi có hệ thống thoát nước chung tiếp nhận hầu hết các nguồn nước thải chưa được xử lý

Hiện nay, lượng nước thải đô thị, chủ yếu được xả thẳng ra các hệ thống thoát nước chung ở 4 con sông lớn trên địa bàn Hà Nội là sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ. Việc “gánh” lượng nước thải chưa được xử lý trên nhiều địa bàn TP. Hà Nội đã khiến những con sông này ô nhiễm ở mức báo động. Những người dân sống gần cũng chưa bao giờ hết phàn nàn về sự ô nhiễm, bốc mùi từ các dòng sông.

Đánh giá về con số mà Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra, PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, trực thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết : “22% nước thải được xử lý tại 7 nhà máy trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ là lý thuyết. Trong thực tế, những con số này thấp hơn nhiều”.

Hiện nay có 7 nhà máy trong đó bao gồm Nhà máy xử lý nước thải Hồ Bảy Mẫu thu gom được hầu hết nước thải của lưu vực Bà Triệu với công suất xử lý là : 133.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây công suất 15.000m3 thu gom được 8.000 đến 9.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Kim Liên xử lý được 3.700m3/ngày đêm; Nhà máy Trúc Bạch là 2.300m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải của Bắc Thăng Long Vân Trì công suất 42.000m3/ngày đêm nhưng chỉ mới thu gom được 7.000m3.

Đặc biệt khi nhắc đến Nhà máy Yên Sở - nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Hà Nội với công suất 200.000m3 ngày đêm, ông Hạ đánh giá đây là nhà máy mới, với công suất lớn nhưng chưa thu gom được nhiều. Dù hoạt động xử lý tốt nhưng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở lấy nước từ sông để xử lý và chưa có hệ thống thu gom nên chưa hiệu quả.

PGS.TS Trần Đức Hạ khẳng định: “Có nghĩa là con số 22% ở đây chỉ dựa trên lý thuyết, còn thực tế con số này còn thấp hơn nhiều. Lý do ở đây là vì hệ thống thu gom của các nhà máy còn chưa đồng bộ”.

Ảnh 3 :PGS.TS Trầm Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường. Nguồn : Môi trường và Đô thị điện tử

PGS.TS Trầm Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường

Theo nguyên tắc xử lý nước thải, thì nước thải sẽ được thu gom và lọc đến các hệ thống xử lý nước thải riêng sau đó mới xả thải ra các hệ thống xả thải chung như sông, hồ, ao... Nhưng hiện nay, ở Hà Nội, hệ thống xả thải chung thường xuyên là nơi tiếp nhận nước thải chưa được qua xử lý.

PGS. TS Trần Đức Hạ giải thích, bắt đầu từ khi hệ thống thoát nước mới được hình thành tại đô thị Việt Nam. Từ thời Pháp, người Pháp đã nghĩ đến việc phát triển hạ tầng trước, tức là hệ thống thoát nước mưa, thu gom và tách nước thải ra để xử lý. Trước đây, khi dự tính hệ thống thoát nước cũ của Hà Nội, Pháp đã muốn làm hệ thống thoát nước riêng cho thành phố nhưng vì hoàn cảnh đang trong chiến tranh thế giới thứ 2 nên Pháp không có đủ “lực” để đầu tư cho các nước thuộc địa. Vì vậy, hệ thống thoát nước của Hà Nội đành chấp nhận sử dụng hệ thống thoát nước chung cho tới tận bây giờ. Sau đó, Hà Nội vẫn lo tới bài toán úng ngập đô thị trước nên chưa đầu tư vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Khi những người làm trong lĩnh vực nhìn nhận được ra đây là vấn đề cấp bách, họ đã ưu tiên nhà máy xử lý nước thải trước hệ thống thu gom. Đầu tư hệ thống thu gom cần kinh phí gấp 2,5 lần so với nhà máy. Tức là kinh phí nhà máy chiếm khoảng 33%, trên 65% là kinh phí đầu tư cho hệ thống thu gom.

Cần sự phát triển đồng bộ và đầu tư lâu dài

Để có thể giải quyết được vấn đề xử lý nước thải đang còn nhiều trắc trở và cũng là để giải quyết những con số trên, theo các nhà khoa học trong lĩnh vực cấp thoát nước, cần có 4 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất xây dựng khung chính sách, chế tài và cơ chế quản lý của lĩnh vực cấp thoát nước. Xây dựng làm sao để có hệ thống văn bản pháp luật và những quy chuẩn đầy đủ chính xác. Cùng với đó là chế tài không chồng chéo, phân rõ.

Thứ hai, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nước thải.

Thứ ba, huy động nguồn lực về công nghệ, kỹ thuật và nhân sự, con người. Nguồn nhân lực nhân sự ở đây đặc biệt chú trọng huy động năng lực của các chuyên gia và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực để xây dựng công nghệ phù hợp, cùng nghiên cứu về vấn đề cấp bách là thu gom xử lý nguồn nước thải.

Thứ tư, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo về nguồn nước, tài nguyên nước cũng như môi trường đô thị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đức Hạ cho rằng: “Không chỉ đơn giản là tạo nên ý thức giữ gìn vệ sinh cho nguồn nước đô thị mà các nhà lãnh đạo, quản lý cũng phải tự nhận thức về vấn đề đầu tư cho xử lý nước thải là vấn đề đầu tư lâu dài và cần nhiều nguồn lực, tài chính đổ vào. Các giải pháp xử lý nước thải cần được quan tâm một cách đồng bộ, song song với nhau thì sẽ giải quyết được hoàn toàn bài toán nước thải đáng báo động hiện nay”.

Ảnh 1.2 : Hệ thống xả thải đang xả nước thải chưa được xử lí ra sông Tô Lịch

Hệ thống xả thải đang xả nước thải chưa được xử lý ra sông Tô Lịch

Còn PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến,Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng phân tích, trong nhiều năm qua, ở một số thành phố lớn hệ thống thoát nước đã được nâng cấp cải tạo, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân không đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ngập úng đô thị diễn ra thường xuyên đặc biệt vào mùa mưa. Ngập úng gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, đảo lộn cuộc sống bình thường, ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa. Nhiều khu đô thị mới, mặc dù nước thải sinh hoạt đã được tách khỏi nước mưa từ ngay trong công trình, nhưng do sự phát triển không đồng bộ và sự gắn kết hạ tầng kỹ thuật xung quanh như kết nối với hệ thống thoát nước, cao độ nền, kết nối giao thông còn quá nhiều hạn chế dẫn đến hoạt động của hệ thống thoát nước không hiệu quả và hiện tượng ngập úng cũng như ô nhiễm môi trường do nước thải tại các khu đô thị này diễn ra ngày càng tăng.

Hiện nay phổ biến có 2 mô hình đó là mô hình tập trung hay phi tập trung: Mô hình tập trung thường được xây dựng cho các đô thị có mật độ dân số cao, có điều kiện xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên mô hình này có nhiều hạn chế do chi phí đầu tư đối với quản lý nước thải cao, nhất là chi phí đầu tư cho hệ thống thu gom và chi phí cho công tác vận hành và bảo dưỡng…

Trong khi đó mô hình xử lý nước thải phi tập trung đặc biệt áp dụng cho các khu đô thị mới, các khu dân cư, các vùng ven đô, nông thôn, làng nghề đó là những nơi không các khả năng hoặc chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung, giải pháp này cho phép sử dụng các phương pháp xử lý tại chỗ, riêng lẻ cho từng hộ thoát nước hay kết hợp, trong điều kiện tự nhiên một cách lâu dài và mô hình này đang tỏ ra có nhiều ưu điểm.

Thứ nhất, về công nghệ, xử lý nước thải phi tập trung chủ yếu dựa vào các giải pháp phòng ngừa thay vì đối phó với các tình hướng. Tận dụng được sự đầu tư từ các hộ thoát nước. Cho phép sử dụng các giải pháp công nghệ đơn giản chi phí thấp.

Thứ hai, về môi trường, trong hệ thống xử lý, lưu lượng tại các điểm đều nhỏ nên khi có sự cố giảm thiểu rủi ro cho môi trường. Lợi dụng địa hình có sẵn để giảm chi phí vận hành (ví dụ lợi dụng độ dốc để duy trì dòng chảy nhờ áp lực thủy tĩnh).

Thứ ba, về tài chính, chi phí xây dựng hệ thống thu gom nước thải thấp, ít gây xáo trộn về hạ tầng có sẵn (đường xá, nhà cửa, các công trình xây dựng mà hệ thống thu gom chạy qua). Tiết kiệm chi phí bằng cách đầu tư từng bước, từng phần, phát triển quy mô , địa bàn theo yêu cầu thực tế.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho hay: "Mặc dù đã có những quy định và thành công bước đầu xong áp dụng mô hình xử lý nước thải phi tập trung cũng còn nhiều khó khăn và thách thức như: lựa chọn công nghệ như thế nào để phù hợp, chất lượng thiết kế và thi công công trình, quy trình thẩm định, năng lực vận hành - bảo trì, giám sát, theo dõi và kiểm soát của địa phương đồng thời sự tham gia của cộng đồng dân cư nơi dự án triển khai thực hiện.Thành công của việc áp dụng mô hình này phụ thuộc vào hoàn thiện thể chế, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ chế quản lý và các chính sách ưu đãi hỗ trợ có liên quan".

Huy Hoàng - Thiên Lam

Theo dothi.reatimes.vn