Cụ thể 3 thông tin gần đây nhất liên quan đến pháp lý condotel, officetel đang được doanh nghiệp, nhà đầu tư, giới chuyên gia quan tâm.
Thứ nhất là Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 do nội dung dự thảo còn một số vấn đề phức tạp, trong đó có liên quan đến căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn.
Thứ hai là Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về một số vấn đề liên quan đến loại hình bất động sản như condotel, resort villa và officetel. Trong đó, Bộ Xây dựng khẳng định, đã rà soát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng, từ đó đề xuất hướng quản lý. Theo đó, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và sẽ sớm ban hành một văn bản pháp lý thống nhất. Việc Bộ Xây dựng thể hiện rõ quyết tâm cùng các bộ, ngành nêu trên phối hợp “khai sinh” cho condotel có thể xem là một dấu hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
Thứ ba là UBND TP.HCM đã có văn bản chấp thuận cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc xử lý các trường hợp chuyển đổi chức năng officetel sang các chức năng khác (không có chức năng ở) tại các dự án trên địa bàn thành phố. Trước đó, vào tháng 7/2018, UBND TP.HCM đã ban hành công văn về đề nghị tạm dừng việc xem xét, điều chỉnh, bổ sung hoặc chuyển đổi một phần chức năng của công trình, dự án sang officetel trên địa bàn TP cho đến khi Chính phủ ban hành quy định đối với loại hình này. Việc này đã tác động đến các dự án, công trình có phát triển loại hình officetel; từ đó, phần nào ảnh hưởng đến tình hình phát triểnkinh tế- xã hội và công tác quản lý, phát triển đô thị tại TP.HCM. Theo đó, văn bản mới đây được cho là lối thoát cho loại hình dự ánofficetel trên địa bàn TP.HCM đang bị dừng cấp phép 1 năm nay.
Giới phân tích cho rằng đây là những dấu hiệu cho thấy khung pháp lý cho sản phẩm condotel, officetel có thể vẫn phải chờ đợi trong năm 2019 bởi điều quan trọng là Bộ Xây dựng và các bộ vẫn chưa có thông tin chi tiết về thời gian ban hành những văn bản pháp lý hoặc sửa đổi Luật Đất đai. Trong khi theo kết quả cuộc khảo sát đối với khoảng 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia thì có đến gần 60% ý kiến cho rằng pháp lý chưa rõ ràng là nút thắt lớn nhất hãm dòng vốn đầu tư vào loại hình condotel, officetel. Sự “bùng nhùng” pháp lý sẽ khiến sức cầu với những sản phẩm này trong năm 2019 sẽ không thể tăng như dự báo của nhiều chuyên gia.
Tìm hiểu thực tế thị trường, anh Trần Ngọc Hải – nhà đầu tư có thâm niên 6 năm “lướt sóng” đủ các dòng sản phẩm bất động sản chia sẻ hiện anh đang "ôm" hơn 10 căn condotel trải dài từ Bắc vào Nam gần 2 năm nay. Chôn “một đống của” quá lâu, đến nay anh Hải đang dần cạn vốn đầu tư nếu muốn chuyển sang dòng sản phẩm khác.
Anh Hải chia sẻ: “Thời điểm 2 năm trước, trên thị trường nhiều chủ đầu tư quảng cáo và cam kết sẽ làm được sổ đỏ condotel. Thế nhưng, quyết định mua rồi tôi mới biết, việc cấp sổ đỏ cho sản phẩm này không hề dễ dàng. Đã trót "ôm" nhiều, giờ thị trường gần như bão hoà ở không được, lợi nhuận cam kết giảm một nửa có chỗ giảm một nửa mà bán cũng không ai mua. Tôi cũng chán cảnh chờ đợi pháp lý, chờ nguồn khách hàng nhỏ giọt và cạnh tranh ngày càng gay gắt tôi quyết định bán bớt 2/3 suất đầu tư của mình để thu hồi vốn, chuyển sang các phân khúc khác hấp dẫn hơn”.
Còn anh Trần Đình Mạnh, một nhà đầu tư tại Hà Nội, đã đóng 95% giá trị căn condotel 45m2, giá gần 3 tỷ đồng ở Đà Nẵng,cho biết: “Trước khi mua, chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 12% trong vòng 8 năm đầu. Ngoài ra, gia đình tôi còn được đến nghỉ dưỡng theo nhu cầu hàng năm. Nhưng nay tôi muốn bán lại condotel đã mua nhưng rất khó dù tôi đã chịu bán cắt lỗ. Hơn nữa, hợp đồng mua bán condotel đến giờ cũng không thể hiện rõ về việc sở hữu như thế nào”.
Một môi giới cho biết đang rao bán căn hộ condotel Phú Quốc diện tích 45m2 với giá 2,5 tỷ đồng (giá gốc hợp đồng là 3,3 tỷ đồng) nhưng gần 5 tháng nay vẫn không có khách hỏi. Cùng số phận, nhiều căn hộ condotel Nha Trang, Đà Nẵng của môi giời này được rao bán giá thấp hơn từ 50 - 100 triệu so với giá mua vào vẫn có rất ít giao dịch. Dự án condotel ở Bà Rịa - Vũng Tàu từng rất hút khách khi bán sơ cấp, hiện được rao giá 1,9 tỷ đồng/căn (giá gốc 2 tỷ đồng) vẫn không tìm được người mua. Ngoài ra, thị trường đang nhan nhản các tin rao bán căn hộ condotel từ nhà đầu tư trong các group về buôn bán bất động sản. Có người rao bán giá gốc, cũng có nhiều người chấp nhận bán lỗ để thoát thân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, thị trường căn hộ officetel, condotel trong khu du lịch đang có sự phát triển rất mạnh, rất nhiều trong thời gian qua và có dấu hiệu cung vượt cầu. Trong đó, tỷ lệ căn hộ condotel hiện chiếm khoảng 56%, cao hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort (chỉ chiếm 44%) là không bình thường, vì thông thường ở các nước, nguồn cung căn hộ condotel thường thấp hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort.
Ông Châu đưa ra nhận định: “Sau một thời gian phát triển quá nóng, thị trường condotel đã bắt đầu chững lại và đối diện với nhiều thách thức về hiệu quả kinh doanh, tính thanh khoản, thực hiện cam kết đảm bảo lợi nhuận và cấp "sổ đỏ" cho khách hàng. Để tháo gỡ khó khăn, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cấp ngay "sổ đỏ" có thời hạn cho người mua căn hộ condotel để đảm bảo quyền lợi khách hàng và cần có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel thực hiện nghĩa vụ đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp như đã cam kết trong hợp đồng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phải có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm như công bố đầy đủ thông tin về dự án, về quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn...Thực hiện tốt các công việc nêu trên sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu và tránh thất thoát ngân sách nhà nước, giúp cho thị trường condotel phát triển minh bạch và bền vững”.
An An