Theo báo cáo từ SSI Research, quý 3/2024 đánh dấu bước nhảy vọt đáng kinh ngạc của FE Credit khi lợi nhuận trước thuế đạt 270 tỷ đồng, tăng gấp 60 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thành quả này không chỉ nhờ vào mức nền thấp của năm trước mà còn được thúc đẩy bởi các yếu tố nổi bật như thu nhập lãi thuần tăng 8,5% và khoản thu hồi nợ xấu tăng tới 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, HD Saison cũng ghi nhận kết quả kinh doanh bùng nổ với lợi nhuận trước thuế đạt 327,7 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với quý 3/2023. Điểm sáng trong tăng trưởng đến từ biên lãi ròng (NIM) phục hồi, tăng 60 điểm cơ bản, cùng với thu nhập từ phí tăng mạnh 16,5% so với cùng kỳ.

Không kém phần ấn tượng, EVN Finance góp mặt trong danh sách các doanh nghiệp lãi trăm tỷ với lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 đạt 226,5 tỷ đồng, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm, EVN Finance đã đạt 537,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt xa con số 342,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ, VietCredit đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong quý 3/2024. Cụ thể, khoản lỗ của công ty đã thu hẹp đáng kể, từ 62,38 tỷ đồng trong quý 3/2023 xuống còn 36,5 tỷ đồng trong cùng kỳ năm nay. Động lực cải thiện đến từ việc giảm hơn 30% chi phí hoạt động nhờ chiến lược tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, và chi phí dự phòng giảm 14% khi tỷ lệ nợ xấu có sự cải thiện đáng kể.

Bên cạnh tăng trưởng lợi nhuận, bức tranh ngành tài chính tiêu dùng còn thêm phần sáng sủa với sự giảm mạnh của tỷ lệ nợ xấu. Đến hết quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit đã giảm từ 23,6% (quý 2/2024) xuống còn 18%. Tại EVN Finance, tỷ lệ nợ xấu giảm tới 32%, đặc biệt nợ có khả năng mất vốn giảm sâu 71,5% trong 9 tháng đầu năm. Tương tự, VietCredit cũng giảm nợ xấu tới 53%, còn 399,9 tỷ đồng vào cuối quý 3/2024.

Ngoài ra, khả năng xử lý nợ khó đòi cũng ghi nhận những bước tiến đáng chú ý. Tính đến ngày 30/9/2024, VietCredit đã xử lý 868,2 tỷ đồng nợ khó đòi, tăng 93,7% so với đầu năm. FE Credit cũng không kém cạnh với việc thu hồi 1,3 nghìn tỷ đồng nợ đã xử lý, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ năm 2022 đến 2023, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn được xem là lĩnh vực đầy tiềm năng trong dài hạn. Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhân khẩu học trẻ và năng động của Việt Nam chính là động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này.

Cùng quan điểm, FiinGroup nhận định rằng triển vọng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn rất sáng sủa. Hiện tại, quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chỉ chiếm hơn 10% GDP – một tỷ lệ khiêm tốn so với nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc với hơn 40% GDP hay Hồng Kông (Trung Quốc) với hơn 20%...

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng tại Việt Nam hiện đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Đáng chú ý, từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng luôn vượt trội so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung, phản ánh tiềm năng lớn của phân khúc này.

FiinGroup đánh giá rằng sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế năm 2024 sẽ là bệ phóng cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Với sức mua gia tăng, nhu cầu tín dụng bùng nổ và thu nhập hộ gia đình cải thiện, ngành này hứa hẹn sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Đồng thời, các chính sách mới như Thông tư 18/2024/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng, Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, cùng các quy định liên quan đến giao dịch tín dụng cũng tạo ra những tác động tích cực, hỗ trợ sự gắn kết giữa công nghệ tài chính và tín dụng cá nhân.

Tuy nhiên, các công ty tài chính vẫn đối mặt không ít khó khăn. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, tỷ lệ nợ quá hạn cao, và những ảnh hưởng từ bão Yagi tại một số khu vực đã làm tăng thêm thách thức. Đặc biệt, nhóm khách hàng mục tiêu – những người có thu nhập thấp và trung bình – dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế, chi phí sinh hoạt tăng cao và nợ tích lũy, có thể khiến việc mở rộng tín dụng và gia tăng lợi nhuận trở nên khó khăn hơn.

FiinGroup nhận định, để bắt nhịp với chu kỳ tăng trưởng mới sau giai đoạn điều chỉnh kéo dài, các công ty tài chính cần tiên phong trong việc định hình xu hướng cho vay tiêu dùng. Việc tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi như 2WL, CDL, thẻ tín dụng, và cho vay cá nhân, kết hợp với đẩy mạnh chuyển đổi số, sẽ là chìa khóa giúp các công ty lấy lại đà tăng trưởng và mở ra giai đoạn “hồi sinh” cho toàn ngành.

Theo PV/Đô thị mới

Nguồn: https://reatimes.vn/cong-ty-tai-chinh-bung-no-loi-nhuan-thoi-ky-phuc-hung-da-den-202241231095314488.htm