Thị trường tài chính tiêu dùng là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, khi phân khúc khách hàng chính của các công ty tài chính bị suy giảm về thu nhập, việc làm… Lúc này, công ty tài chính phải linh hoạt ứng phó, chờ cơ hội bứt phá trong giai đoạn “bình thường mới”.
Tính hết quý III/2021, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đạt 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với năm 2020 và chiếm gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Trong đó công ty đứng đầu về vốn điều lệ là FE Credit hơn 10.928 tỷ đồng.
Gặp nhiều khó khăn trong đại dịch
Những năm qua, nhờ sự triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính tiêu dùng đã chú trọng việc mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Báo cáo của VNBA cho thấy hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội và hạn chế tín dụng đen.
Dù vậy, đại dịch Covid-19 vừa qua đã tác động tiêu cực tới kinh tế, trong đó các công ty tài chính cũng bị “vạ lây”.
“Đại dịch Covid-19 là thách thức chưa từng có tiền lệ đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính tiêu dùng nói riêng. Đối với FE Credit, vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua đã chứng minh được sức mạnh nội tại giúp công ty lấy lại đà tăng trưởng như hiện tại” - ông Kalidas, Tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit, phát biểu với các nhà đầu tư tại cuộc gặp gỡ mới đây.
Thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2021, đặc biệt từ quý II đến quý III/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, khoảng 20 tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong bối cảnh này, phân khúc khách hàng chính của các công ty tài chính là người lao động phổ thông có thu nhập thấp…bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Các công ty gặp khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm; thu phí dịch vụ, xử lý nợ xấu... do khách hàng phải hạn chế đi lại, các cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa.
“Những yếu tố này vừa tác động lớn đến kết quả giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm” – đại diện VNBA nói.
Chờ sức bật từ nội tại
Trước đó, báo cáo về hoạt động của các công ty tài chính từ Fiingroup nửa đầu năm 2021 cũng đánh giá thị trường tài chính, đặc biệt là tài chính tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh giãn cách kéo dài. Lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục, tỷ lệ thấp nghiệp tăng cao, khiến thu nhập khách hàng của các công ty tài chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long…
Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh này, những doanh nghiệp nào trụ được qua đại dịch sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Bởi nhu cầu vay tiêu dùng có thể bị gián đoạn trong dịch nhưng sẽ “bùng nổ” sau giãn cách. Khi đó, doanh nghiệp nào có sức mạnh nội tại vững vàng, chiến lược đúng đắn sẽ là động lực để bật xa hơn trong tương lai.
Tại FE Credit, lãnh đạo công ty nhìn nhận giai đoạn tháng 7 - 9/2021 thực sự là thời gian khó khăn chưa từng có đối với ngành tài chính tiêu dùng và công ty nói riêng. Nhưng ngay từ tháng 10/2021 sau giai đoạn giãn cách, lệnh phong tỏa được nới lỏng cùng chiến lược thích ứng linh hoạt trong điều kiện “bình thường mới”, tình hình kinh doanh của FE Credit đã hồi phục trở lại với những con số ghi nhận khả quan.
Chỉ tính riêng tháng 12/2021, giá trị giải ngân sản phẩm cốt lõi tại FE Credit đạt 6.400 tỷ đồng, cao nhất trong 11 tháng liên tiếp. Quý IV giải ngân sản phẩm cốt lõi đạt 17.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 10.300 tỷ đồng trong quý III/2021. Không chỉ thúc đẩy giải ngân mới, các hoạt động marketing, thu hồi nợ cũng được thực hiện tốt… giúp các chỉ số tài chính của công ty tốt hơn so với quý III. Chi phí hoạt động tiếp tục xu hướng giảm đồng thời tỷ lệ dịch chuyển nhóm nợ cũng được kiểm soát tốt.
“Những điều này đã khẳng định sức mạnh nội tại của FE Credit trong việc xây dựng nền tảng tài chính, hệ sinh thái số vững mạnh. Chúng tôi đã nỗ lực dịch chuyển khách hàng trên nền tảng số đồng thời duy trì lượng khách hàng hiện hữu. Qua đó cũng thể hiện được năng lực cạnh tranh của công ty so với các công ty tài chính khác” – CEO FE Credit tin tưởng.
Chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát tốt
Bất chấp khó khăn và ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, FE Credit vẫn có sự gia tăng đáng kể về số lượng khách hàng. Tính đến cuối năm 2021, lượng khách hàng đang hoạt động tăng 48%. Đồng thời, chi phí hoạt động có xu hướng giảm dần. Chi phí hoạt động giảm từ 5.690 tỷ đồng (năm 2019) xuống còn 5.040 tỷ đồng (năm 2020) và đạt 4.670 tỷ đồng trong 2021. Ngoài ra, hệ số an toàn vốn (CAR) luôn ở mức cao trên 15,5% trong nhiều năm liên tiếp. Riêng năm 2021 đạt 17,8%.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/cong-ty-tai-chinh-linh-hoat-trong-giai-doan-binh-thuong-moi-20201231000005858.html