Trong những ngày qua, tâm lý người tiêu dùng không còn lo lắng đổ xô đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… để mua sắm, tích trữ hàng hóa. Các ngành chức năng cũng như những nhà cung cấp thực phẩm lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đều cam kết bảo đảm cung ứng đa dạng nguồn hàng hóa, đảm bảo thực phẩm dự trữ đủ phục vụ người dân trong 2-3 tháng tới, nhiều nơi tăng lượng hàng hóa từ 2 - 3 lần so với bình thường.

 Chợ Hàn Đà Nẵng có 2 tầng cùng 576 gian hàng và 36 ki-ốt xung quanh. Hiện nay, chỉ buôn bán các mặt hàng thiết yếu tại tầng 1
 Chợ Hàn Đà Nẵng có 2 tầng cùng 576 gian hàng và 36 ki-ốt xung quanh. Hiện nay, chỉ buôn bán các mặt hàng thiết yếu tại tầng 1.

Chợ truyền thống buôn bán đìu hiu… 

Theo ghi nhận của PV, những ngày qua các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Đà Nẵng trở nên vắng lặng hơn so với ngày bình thường, sức mua bị sụt giảm từ 60 - 70%. Thậm chí, vào các khung giờ “vàng” như 7 - 8h, 15 - 18h và cả những ngày cuối tuần các chợ vốn đông khách thì nay lượng khách lại vơi dần.  

Tại chợ Cồn, từng là khu mua sắm nổi tiếng Đà Thành khi nằm trên vị trí đắc địa ở gần cầu sông Hàn và tiếp giáp 4 con phố chính: Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương và đường Bạch Đằng, được xem là một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch ngoại quốc đến thăm quan và mua sắm. Nhưng hiện nay, nhiều tiểu thương tại đây cho biết, sức tiêu thụ hàng đã giảm ít nhất từ 30 - 50% so với trước, trong khi mỗi tháng tiểu thương vẫn phải chi trả nhiều khoản tiền như: Thuê sạp, chi phí điện nước, thuế…

Chị Xuân Thảo (53 tuổi) là một tiểu thương bán đồ khô đóng hộp tại chợ Hàn đã gần 7 năm nay, chia sẻ: “Mọi năm dịp hè này là khách du lịch, khách ngoại quốc đến đông đúc lắm, buôn bán cũng đắt hàng, chủ yếu khách mua các loại đặc sản về nhà để làm quà. Nhưng nay chợ ế ẩm lắm, bình thường bán 10 thì nay chỉ còn 1, nhiều hôm dọn ra rồi chiều muộn lại dọn về mà không ai mua, dịch bệnh này đi chợ nhiều người cũng dè chừng nữa”.

Gian hàng bán đồ khô vắng khách, chị Thảo tranh thủ sắp xếp các mặt hàng cho ngay ngắn
Gian hàng bán đồ khô vắng khách, chị Thảo tranh thủ sắp xếp các mặt hàng cho ngay ngắn.

Không riêng gì chợ Cồn, nhiều chợ lớn tại TP. Đà Nẵng như: Chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn, chợ Hòa Khánh, chợ Đống Đa… lượng khách đều thưa dần, chủ yếu lượng khách đều tập trung mua vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, những cung giờ còn lại chợ đều vắng hoe.

Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết, hiện nay, tại các chợ truyền thống, những mặt hàng hóa lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm cung ứng và dự trữ vẫn có bình thường, không biến động. Khách hàng tập trung mua nhóm hàng rau, thực phẩm khô và tươi sống, không diễn ra tình trạng tranh nhau mua hàng dự trữ.

Trước tình hình dịch Covid-19 tại TP. Đà Nẵng, ban quản lý các chợ đã triển khai tốt công tác kiểm soát dịch tại các chợ dân sinh, tăng cường nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Phát thẻ ra vào chợ cho người dân, kiểm soát người đi chợ theo phiếu, quét QR Code, đo thân nhiệt, khử khuẩn, bắt buộc đeo khẩu trang trước khi vào chợ…

Siêu thị và cửa hàng tiện lợi “lên ngôi”

Trong khi đó, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP. Đà Nẵng lại có nguồn khách hàng mua sắm ổn định. Theo ghi nhận của PV tại các siêu thị trên TP. Đà Nẵng như: BigC, Mega Market, Co.op Mart và Lotte Mart…

Hiện nay đều có lượng thực phẩm dồi dào, giá cả không có nhiều sự biến động. Người dân tập trung mua các mặt hàng rau củ quả tươi xanh, trái cây bổ sung vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng như: Cam sành, quýt, chanh...

Hàng hóa tại các siêu thị đa dạng và đầy đủ. Đặc biệt, mặt hàng rau củ quả luôn dồi dào
Hàng hóa tại các siêu thị đa dạng và đầy đủ. Đặc biệt, mặt hàng rau củ quả luôn dồi dào.

Trao đổi với PV, đại diện siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng cho biết: Hệ thống siêu thị Big C Đà Nẵng đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, hoạt động đến 22h hàng ngày để phục vụ khách hàng mua sắm.

Về nguồn cung hàng hoá, Co. op Mart đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Không có tình trạng hàng hóa bị khan hiếm.

Về phía siêu thị Big C, đại diện siêu thị cho biết: “Nguồn cung luôn được đẩy mạnh ở một số mặt hàng như: đồ đóng hộp, đồ tươi sống, rau củ quả… để đáp ứng nhu cầu của người dân. Với thực phẩm tươi sống, có kế hoạch tăng gần 100% để đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, còn thực phẩm khô được tăng gấp 3 lần so với ngày bình thường”.

Hệ thống các siêu thị, nhà phân phối đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 3-5 lần các chủng loại thực phẩm.
Hệ thống các siêu thị, nhà phân phối đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 3 - 5 lần các chủng loại thực phẩm.

Đáng lưu ý, tại các siêu thị, nhóm mặt hàng trứng gia cầm đang rất hút khách, vì vậy các kênh bán lẻ phải đưa ra thông báo mỗi khách hàng chỉ được mua 2 vỉ trứng gia cầm các loại để đảm bảo mọi khách hàng có nhu cầu đều có thể mua dùng.

Đặc biệt, hệ thống các siêu thị, nhà phân phối đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 3 - 5 lần các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc, đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn thành phố trong vòng 2 - 3 tháng.

Các shipper công nghệ ngừng hoạt động, cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm vẫn có dịch vụ ship hàng tận nhà.
Các shipper công nghệ ngừng hoạt động, cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm vẫn có dịch vụ ship hàng tận nhà.

Là một trong những chuỗi cửa hàng có uy tín trong việc bán thực phẩm hữu cơ tại TP. Đà Nẵng, với 4 cửa hàng lớn phân bố rộng khắp tại nhiều quận trên địa bàn: Quận Hải Châu, quận Cẩm Lệ, quận Thanh Khê, cụ thể ở các địa chỉ: 78B Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu), 144 Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) 97 Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) và 55 Phan Đăng Lưu (quận Cẩm Lệ) và 2 cửa hàng lớn tại số 20, Hùng Vương, Quảng Ngãi và 41 Phan Chu Trinh, Tam Kỳ, Quảng Nam. 

Chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm, được xem là cửa hàng tiên phong trong việc mở trang trại để tự sản xuất. Đến nay, đã tự chủ được một số mặt hàng chủ lực như: Thịt heo trùn quế, trứng gà thảo mộc Bà Nà, các loại rau xanh… và liên kết với một số đối tác lớn có uy tín như nông sản Đăng Khôi (TP.HCM), công ty nông sản hữu cơ Quế Lâm (TP. Huế), thực phẩm hữu cơ vùng Măng Đen (Kon Tum) để đảm bảo nguồn cung thực phẩm luôn dồi dào, đa dạng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Các loại trái cây tăng cường vitamin và sức đề kháng luôn được cửa hàng An Phú Farm chú trọng và bổ sung lượng hàng dồi dào.
Các loại trái cây tăng cường vitamin và sức đề kháng luôn được cửa hàng An Phú Farm chú trọng và bổ sung lượng hàng dồi dào.

Anh Đỗ Nguyễn Minh Quang - Quản lý cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm cho biết: “Hiện nay, thị hiếu khách hàng tập trung mua nhiều loại thực phẩm giàu vitamin như: Cam, dưa lưới, chanh… nên lượng hàng hóa luôn đầy đủ cho mùa dịch này và cam kết không tăng giá. Đặc biệt, hiện nay thành phố cho ngưng dịch vụ giao hàng trực tuyến hoạt động, vì vậy các cửa hàng đều có nhân viên ship hàng riêng, kèm theo chương trình ưu đãi freeship cho hóa đơn từ 200.000VNĐ trong bán kính trong 5km”.

Việc đi chợ trực tuyến hiện nay mang đến vô vàn tiện ích, ưu điểm của các ứng dụng mua sắm này là tích hợp cả việc thanh toán, hỗ trợ nhiều kênh thanh toán khác nhau như ví điện tử, thẻ visa, Internet banking giúp cho người mua thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng còn tích điểm, lưu lại lịch sử mua hàng, và phản ánh khiếu nại.

Báo cáo nhanh từ các nhà bán lẻ trên địa bàn, hiện nay, lượng khách hàng mua sắm vẫn tăng cao so với thời điểm bình thường, các đơn hàng online qua website và điện thoại cũng tăng từ 30 - 50%.

Các loại thực phẩm tại An Phú Farm luôn được kiểm tra thường xuyên và bổ sung lên kệ liên tục 
Các loại thực phẩm tại An Phú Farm luôn được kiểm tra thường xuyên và bổ sung lên kệ liên tục.

Mới đây, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; đề nghị người dân bình tĩnh, không hoang mang, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.

Theo đó, sở Công thương kêu gọi: Người dân không nên mua tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng nhằm tránh tạo sự đột biến trong mua sắm và gây ra tâm lý hoang mang không đáng có. Sở Công Thương cùng với các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn cũng đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đà Nẵng: Công bố số điện thoại xử lý thông tin liên quan đến các vi phạm về giá và hàng hóa

Mới đây, cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Đà Nẵng vừa triển khai tuyên truyền đến các đơn vị, hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn TP về việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh hàng hóa. Theo đó, các đơn vị đã đồng loạt thực hiện ký cam kết về việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; không tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng. 

Người dân, đơn vị, tổ chức khi phát hiện các vi phạm có thể gọi điện đến một trong số các số điện thoại sau để phản ánh về các vấn đề liên quan đến các vi phạm về đầu cơ, găm hàng, nâng giá quá mức quy định, niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết: 

Cục QLTT Đà Nẵng: 089 824 3333; hoặc Đội QLTT quận Hải Châu 0901 796 789; hoặc Đội QLTT quận Thanh Khê 0945 559 878; hoặc Đội QLTT quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn 0905 805 379; hoặc Đội QLTT quận Liên Chiểu 0946 852 233; hoặc Đội QLTT quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang 0906 511 479 để được tiếp nhận và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Theo Hà Anh/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/da-nang-dap-ung-du-nhu-cau-thuc-pham-trong-2-3-thang-toi-20201231000003176.html