Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định: Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã làm số ca nhiễm tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam năm ngoái.

"Các biến chủng mới dễ lây lan của virus SARS-CoV-2 đã gây ra hàng trăm trường hợp dương tính mỗi ngày vào cuối tháng 5. Đây là tỷ lệ mắc thấp theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại là cao nhất từng được ghi nhận ở Việt Nam", báo cáo nêu.

Theo đó, để ứng phó với dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế di chuyển ở các tỉnh thành bị ảnh hưởng, trong đó có cả 3 thành phố lớn - TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Chính quyền cũng đã phải đóng cửa một số nhà máy và khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, 2 trung tâm công nghiệp quan trọng ở miền Bắc, cũng là tâm điểm của đợt bùng phát dịch này.

Tính đến ngày 5/6, tổng số ca nhiễm từ đầu dịch là 8.580 ca với 53 ca tử vong, bao gồm 4.504 ca nhiễm và 12 ca tử vong trong tháng 5.

Doanh số bán lẻ sụt giảm do giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển

Báo cáo World Bank cho hay, tất cả các chỉ số di chuyển chính đều giảm mạnh trong tháng 5 khi các biện pháp hạn chế được áp đặt để kiểm soát đợt bùng phát dịch thứ tư. Các trung tâm giao thông công cộng chứng kiến sự suy giảm mạnh nhất, tiếp đến là các địa điểm bán lẻ và giải trí như nhà hàng do Chính phủ yêu cầu đóng cửa nhiều dịch vụ trong nhà. Các doanh nghiệp khuyến khích người lao động làm việc tại nhà cũng khiến chỉ số di chuyển tại nơi làm việc giảm 

Chỉ số sản xuất công nghiệp

Doanh số bán lẻ

Sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% (so với tháng trước) và 11,2% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù đại dịch COVID19 có nhiều diễn biến xấu trong thời gian gần đây. Chỉ số PMI đạt mức 53,1 trong tháng 5, cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện so với tháng trước, mặc dù thấp hơn so với mức 54,7 vào tháng 4.

Tuy nhiên, theo World Bank, những con số trung bình này có thể không cho thấy sự khác biệt giữa các địa phương, vì hoạt động bị gián đoạn tại các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh chắc chắn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của một số sản phẩm điện tử, từ đó có thể làm giảm sản lượng trong những tuần tới.

Trên thực tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tại Bắc Giang giảm 40,9% (so với tháng trước) và 33,3% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 5/2021, trong khi chỉ số sản xuất hàng điện tử giảm 53,6% (so với tháng trước) và 46,9% (so với cùng kỳ năm trước). Cần lưu ý là chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam hàng tháng dựa trên dữ liệu thu thập đến ngày 15 hàng tháng, trong khi các cơ quan chức năng dự báo giá trị cho nửa cuối của tháng.

Một điểm đáng chú ý là sau sự phục hồi ngắn vào tháng 4, doanh số bán lẻ đã giảm trở lại ở mức 3,1% (so với tháng trước) trong tháng 5. Sự sụt giảm này do nhu cầu trong nước yếu đi vì Chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch COVID-19.

"Những hạn chế này có tác động không đồng đều giữa các tiểu ngành bán lẻ vì doanh số của ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, giảm 8,9% so với tháng trước, so với hàng hoá (giảm 1,7% so với tháng trước)", báo cáo nhấn mạnh.

Thương mại hàng hóa cao kỷ lục trong 5 tháng đầu năm 2021 nhưng giảm nhẹ trong tháng 5

Trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt 6,7% và 9,4% so với cùng kỳ tháng trước. Đây được đánh giá là mức sụt giảm xuất khẩu lớn nhất kể từ tháng 6/2020. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt mức cao nhất mà Việt Nam từng ghi nhận, lần lượt tăng 29,1% và 35,4% so với cùng kỳ năm 2020.

World Bank cho rằng kết quả đáng chú ý này phản ánh sự tăng trưởng vững chắc trong xuất khẩu máy tính, điện tử và máy móc thiết bị. Điều này đồng thời cũng phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu điện thoại, dệt may và giày dép, lần lượt tăng 19,5%, 16,1% và 27,0% (so với cùng kỳ năm trước) trong 5 tháng đầu năm 2021. Mức tăng trưởng trên diện rộng này được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như nhu cầu đang phục hồi từ EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cũng trong tháng 5/2021, Việt Nam thu hút được 1,7 tỷ USD FDI, giảm 20% so với tháng trước. Mức cam kết thấp hơn này có thể phản ánh các yếu tố thời vụ, nhưng cũng thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư nước ngoài do tình hình bùng phát dịch hiện nay. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI cam kết đạt 14 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát tiếp tục tăng do ảnh hưởng của tăng giá hàng hóa thế giới.

Trong bối cảnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% so với tháng trước, chủ yếu phản ánh tác động của việc tăng giá hàng hóa toàn cầu đến giá cả trong nước.

Giá cả hàng hoá tăng trong thời gian gần đây phản ánh quyết định tăng giá nhiên liệu của Chính phủ vào cuối tháng 4 và giữa tháng 5, khiến giá xăng, dầu diesel và dầu hỏa lần lượt tăng 2,1%, 2,8% và 5,1% so với tháng trước. Do thiếu hụt nguồn cung, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kim loại cũng tăng 4,8% so với tháng trước, làm tăng giá nhà ở và vật liệu xây dựng. So với cùng kỳ năm 2020, CPI tăng 2,9% - thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược

Mặc dù nền kinh tế dường như đã phát triển tương đối tốt trước đợt bùng phát dịch thứ tư, nhưng World Bank cho rằng một số dấu hiệu đang cho thấy hoạt động kinh tế sẽ chậm lại nếu đại dịch không được kiểm soát trong ngắn hạn.

"Hầu hết các chỉ số di chuyển, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn, đã giảm mạnh và đã xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược như điện tử và xây dựng. Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng có thể bị giảm nhẹ với sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cam kết vốn FDI", World Bank bày tỏ lo ngại.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu World Bank khuyến cáo các diễn biến này cần được theo dõi chặt chẽ trong những tuần tới. Điểm sáng tích cực là Chính phủ đã củng cố dư địa tài khóa, vì vậy, theo World Bank có thể xem xét chuyển sang chính sách tài khóa thích ứng hơn bằng việc hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Theo Bảo Khánh/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/da-xuat-hien-ap-luc-len-chuoi-gia-tri-cac-nganh-chien-luoc-20201231000002697.html