Tín dụng đen hoành hành

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 4.2020, toàn quốc có 27.999 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong đó có hơn 7.770 cơ sở cầm đồ có biểu hiện hoạt động tín dụng đen (1.410 cơ sở không có giấy phép), do 5.008 cá nhân làm chủ. Ngoài ra, còn có hơn 1.700 cơ sở kinh doanh tài chính liên quan đến “tín dụng đen” (521 cơ sở không có giấy phép) và 3.909 cá nhân cũng có biểu hiện cho vay nặng lãi.

Thực tế trên cho thấy, hoạt động “tín dụng đen” len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, dù nhiều tổ chức tín dụng đen đã bị lực lượng công an triệt phá nhưng vẫn liên tục mọc ra. Nhu cầu vay của người dân quá lớn, cộng với lợi nhuận thu về khủng, trong khi chế tài xử lý chưa đủ nặng nên các đối tượng cho vay nặng lãi không hề run sợ.

Với lãi suất từ 100 - 300%/năm, thậm chí còn cao hơn, tín dụng đen gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính, tiền tệ cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đã có không ít những tình cảnh thương tâm khi bị dồn đến bước đường cùng vì vay nợ tín dụng đen.

(Ảnh minh họa nguồn ITN)

Lo ngại về tín dụng đen đã được cảnh báo cả trên nghị trường Quốc hội khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng, dù tín dụng đen truyền thống đã giảm sau khi bị truy quét, song cho vay qua app lại nổi lên với thủ đoạn đòi nợ còn tàn khốc hơn tín dụng đen truyền thống rất nhiều. Trên thực tế, có hàng chục nghìn người dính bẫy tín dụng đen với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, mặc dù ban đầu chỉ vay vài triệu để tiêu dùng. Có thể thấy loại hình tín dụng đen kiểu mới đã biến những con nợ nhỏ thành những con nợ lớn, chất chồng những khoản nợ không thể trả.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng bày tỏ lo lắng khi tín dụng đen “gõ cửa” từng nhà, cho vay tận tay người dân bằng hàng trăm app, với thủ tục vô cùng đơn giản. Người dân tưởng vớ được phao cứu sinh, song cuối cùng lại chết chìm từ những chiếc phao này.

Nhu cầu lớn cần được đáp ứng

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có trên 75% số người dân không được tiếp cận với các kênh dịch vụ tài chính chính thức dù có nhu cầu rất lớn về vay vốn, đặc biệt là các khoản vay tiêu dùng quy mô nhỏ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức tín dụng đen trục lợi.

Để giải quyết vấn nạn này không hề dễ dàng, từ góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, cần sử dụng giải pháp tài chính để thu hẹp tín dụng đen. 

Một trong các giải pháp đó là phát triển tài chính tiêu dùng, hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng. Đây là nhóm khách hàng bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay, do không chứng minh được khả năng trả nợ và không có tài sản thế chấp. 

Nguồn vốn vay tiêu dùng cũng giúp cho các kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, giúp người dân vượt khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng trong xã hội. Đồng thời góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác, trong đó bao gồm cả các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Phát triển tài chính tiêu dùng góp phần làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, hạn chế cho vay nặng lãi biến tướng trong xã hội hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tín dụng đen xuất phát từ nhu cầu vay cấp bách của người dân. Để thu hẹp, phải chặt bỏ các điều kiện phát triển của nó. Giải pháp gốc rễ là phải giải quyết đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân có thu nhập thấp, trung bình thông qua tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính. 

Thực tế thời gian qua, trong hàng loạt giải pháp chống tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi thông tư, bổ sung quy định và hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay trong đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính để lĩnh vực này hoạt động ngày càng thuận lợi hơn.

Theo Vân Thanh/Đô Thị Mới