Thời gian gần đây, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều Đại biểu đã bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ, biến con nợ nhỏ thành những con nợ lớn; khi không thể trả nổi thì thực hiện khủng bố tinh thần khiến có người vay đã phải tự tử. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này.

PV: Thưa ông, tín dụng đen trong giai đoạn vừa qua tưởng chừng như dần được kiểm soát, nhưng tình hình có vẻ vẫn diễn biến phức tạp?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen diễn biến rất phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Để ngăn chặn tình trạng này hiện đều phải nhờ đến công an.

Trong năm 2020, sau khi các Đại biểu phát biểu nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội, công an các tỉnh, thành phố đã có những giải pháp nhất định, rất quyết liệt trong việc càn quét, xử lý các vụ việc. Thực chất, những kẻ cho vay tín dụng đen chỉ có ít tiền, nhưng được tổ chức thành các nhóm thành lập công ty đàng hoàng, cho vay nặng lãi.

Nhìn chung, những kẻ cho vay nặng lãi biết những người đi vay có điều kiện rất khó khăn và đang cần tiền gấp, không thể trả được tiền sớm, sẽ vi phạm cam kết thời hạn và bị tăng lãi suất phải trả.

Có những trường hợp rất điển hình, nhà nghèo và có con mượn xe máy của bạn đi rồi gây tai nạn, bố mẹ vừa phải lo chữa chạy cho con và người bị tai nạn; vừa phải lo tiền sửa xe cho gia đình bạn của con. Đó là khoản tiền không hề nhỏ và nếu dính vào tín dụng đen để vay nóng thì còn khổ nữa.

Thời gian gần đây, xuất hiện hành vi ném các chất bẩn như dầu, phân, sơn… vào trong nhà những người đi vay. Nhiều gia đình có con nợ nần nhưng bố mẹ bị đòi nợ. Tín dụng đen gây ra rất nhiều bất ổn cho xã hội.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương

PV: Ông có thể lý giải thêm về nguyên nhân chính khiến nhiều người vẫn phải tìm đến tín dụng đen?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Trên thực tế, nhiều người đi vay nặng lãi là do có những việc phát sinh, đột xuất như ốm đau, cấp cứu, không thể vay ngay ngân hàng. Tín dụng đen thì đáp ứng được nhu cầu đó, nhưng lãi suất cắt cổ.

Theo quan sát của tôi, Ngân hàng Nhà nước cũng rất có trách nhiệm, khi chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội, hệ thống ngân hàng thương mại, các công ty tài chính đẩy mạnh thực hiện việc cho vay.

Nhưng, với hệ thống ngân hàng, không thể nào đáp ứng được việc cho vay ngay tức thì. Bởi với những trường hợp có nhu cầu đột xuất, khó khăn, cần vay khoản tiền từ vài triệu cho đến vài chục triệu dù không phải lớn, nhưng để cho vay được thì ngân hàng cần đầy đủ hồ sơ, xem xét, thẩm định và ít nhất cũng phải mất vài ngày. Trong khi đó, gia đình lại có việc đột xuất, cần tiền ngay lập tức. Nếu tín dụng tiêu dùng hoặc hệ thống ngân hàng cho vay chưa phát triển sẽ tạo cơ hội cho tín dụng đen bùng phát và người dân chắc chắn vẫn phải tìm đến loại hình nhiều rủi ro này.

PV: Theo quan sát của ông, Công an, Ngân hàng, hệ thống các công ty tài chính đã làm gì để góp phần đẩy lùi tín dụng đen?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Phải nhìn nhận khách quan là Công an đã quyết liệt vào cuộc nên thời gian qua, nạn tín dụng đen cũng hạn chế bớt phần nào.

Ngoài ra, theo nhận định chủ quan của tôi, thứ nhất, Nhà nước và hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính đã làm tốt các chương trình tiếp xúc, tuyên truyền về tác hại của tín dụng đen. Thứ hai, các ngân hàng, công ty tài chính đã tạo điều kiện cho vay nhanh gọn hơn để người dân tiếp cận được với lãi suất ưu đãi.

Tình hình chung là như vậy, nhưng thời gian qua, tín dụng đen lại biến tướng theo dạng khác. Ví dụ, những kẻ cho vay tín dụng đen có nhiều cách “ma quái” để lấy được số tài khoản của người dân và dụ dỗ, hứa hẹn sẽ cho họ vay tiền khi có nhu cầu. Sau đó, thậm chí nhiều người không đề nghị vay tiền nhưng những kẻ đó vẫn cứ gửi tiền vào và tính lãi suất.

Tóm lại, những biến tướng của tín dụng đen rất phức tạp và hiện tại, công an các địa phương vẫn đang phải truy xét và bám vào quy định không được cho vay với lãi suất cao để từng bước xử lý.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg, về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Theo đó, cần có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp... Theo ông, định hướng này sẽ góp phần giải quyết vấn nạn tín dụng đen ra sao?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi cho rằng, chỉ đạo đó rất đúng và phù hợp.

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, trong thực tế, hệ thống tài chính chưa thể đáp ứng hết nhu cầu vay tiền của người dân. Bởi nếu như đi học hay kinh doanh thì có kế hoạch.

Nhưng, rất tiếc là trong cuộc sống, có những chuyện không thể biết trước được cần vay luôn một khoản tiền vài chục triệu đồng. Khi vào viện thì cần phải có tiền đặt cọc, đấy là quy định về mặt hành chính. Mà người dân, nhất là ở những vùng khó khăn thì làm sao có đủ tiền ngay nên phải đi vay tín dụng đen.

Chính phủ vẫn chỉ đạo phải tạo điều kiện cho vay, thủ tục nhanh gọn, dễ dàng và tác dụng hết sức rõ ràng. Nhưng xét cho cùng, một cán bộ tín dụng ngân hàng muốn hoàn thành thủ tục cho người dân vay một khoản tiền thì phải đánh giá rất nhiều mặt, thủ tục phê duyệt đúng quy định. Đặc biệt, các ngân hàng khi cho vay phải có mục đích rõ ràng. Còn tín dụng đen thì bất chấp hết, muốn vay tiền làm gì cũng được, kể cả các nhu cầu bất hợp pháp.

Ví dụ, một hồ sơ đi vay trung bình phải từ 5-7 ngày. Tôi tìm hiểu phía Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì ít nhất cũng phải mất 3-4 ngày. Chứ còn nếu đưa chứng minh thư nhân dân mà vay được tiền ngân hàng luôn là điều không thể.

Tóm lại, để đảm bảo quản trị rủi ro, các ngân hàng hầu hết đều cho vay thế chấp – nghĩa là người đi vay, ngoài chứng minh danh tính, còn phải chứng minh được thu nhập, tài sản cá nhân của mình. Một số công ty tài chính thì đa dạng, đơn giản và nhanh chóng hơn để đáp ứng nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay nhanh nhất, như: Khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và hộ khẩu kèm theo 1 loại giấy tờ như bằng lái xe hay hóa đơn tiền điện nước là có thể tiếp cận được nguồn vốn mong muốn.

PV: Một số nghiên cứu ở các nước phát triển cho thấy, các công ty tài chính có gói vay linh hoạt, chiếm 40-50% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, con số này ở Việt Nam khá hạn chế…

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Ở nước ngoài, khi thi đỗ đại học thì gia đình không cần lo lắng, vì chỉ cần có giấy tờ là sinh viên sẽ được tín dụng tiêu dùng hỗ trợ vay luôn tiền và khi ra trường, có công việc và thu nhập thì bản thân sinh viên đó tự trả. Việc làm thế nào chấm dứt và ngăn chặn được tín dụng đen, đó là câu hỏi không phải đơn giản.

Dưới góc độ kinh tế, cần thiết phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, phát triển đa dạng, rộng khắp hệ thống cho vay của các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính để gia tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân.

PV: Vậy theo ông, phương pháp quản lý xã hội bằng pháp luật và phương pháp kinh tế, đâu là ưu tiên để giải quyết vấn đề tín dụng đen?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tài chính tiêu dùng đáp ứng những nhu cầu đa dạng, có kế hoạch, như mua sắm tài sản, hàng hóa, đi học… Điều đó góp phần hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, đa phần đều không phải những nhu cầu quá cấp bách. Còn tín dụng đen nhắm vào đối tượng cần tiền ngay và luôn, dựa vào những trường hợp khó khăn, nghèo và có nhu cầu vay tiền ngay lập tức.

Do đó, hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính cần mở rộng nhóm đối tượng khách hàng theo hướng đáp ứng các nhu cầu cần tiền cấp bách của người dân, và Nhà nước cũng nên khuyến khích hệ thống này phát triển theo hướng đó.

PV: Nếu các công ty tài chính đáp ứng được nhu cầu cấp bách thì sẽ góp phần giải quyết được vấn đề tín dụng đen?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Đúng là như vậy. Thực ra, không ai “thả gà ra để đuổi”. Ngân hàng hay các công ty tài chính cố gắng cho vay tới mức tối đa. Trường hợp nào thực sự có khả năng trả nợ thì sẵn sàng cho vay ngay, còn đối với những người không thể trả nợ thì như ném tiền qua cửa sổ. Rủi ro cho hệ thống các ngân hàng, công ty tài chính là rất lớn.

PV: Dưới góc độ pháp luật thì ông có lời khuyên gì dành cho người tham gia vay tiền khi có nhu cầu cấp bách?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Phải tránh xa tín dụng đen. Nhưng thực tế, mỗi nhà mỗi hoàn cảnh. Số người thuộc đối tượng nghèo, phát sinh những nhu cầu cần phải vay tiền rất nhiều trong xã hội. Nếu những trường hợp nào có thể vay được tiền ở các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính thì cố gắng theo đó để vay. Không nên nghe theo những kẻ cho vay tín dụng đen dụ dỗ, khi dính vào rất nguy hiểm.

Hệ thống cho vay tài chính tiêu dùng hay sản xuất ở những vùng sâu, vùng xa bây giờ cũng nhanh hơn, tiện lợi hơn, an toàn hơn và có chủ trương khuyến khích của Nhà nước.

Còn đối với tín dụng đen, lãi suất bình thường đã cao, nhưng khi quá hạn thì lãi suất rất khủng khiếp và cứ thế dồn cả gốc lẫn lãi thì người đi vay không thể trả được. Tôi cũng chỉ biết khuyên như vậy thôi.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!./.

Theo Bình An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/dbqh-nguyen-sy-cuong-nguoi-dan-nen-canh-giac-tranh-xa-tin-dung-den-20201231000000479.html