“Thuốc” trị tín dụng đen
Năm 2020, những ảnh hưởng của nền kinh tế gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vấn nạn tín dụng đen một lần nữa bùng phát mạnh mẽ trên khắp cả nước. Chính phủ và các Đại biểu Quốc hội đã liên tục lên tiếng cảnh báo những hệ luỵ của tín dụng đen với những biến tướng rất đáng lo ngại. Lãi suất “cắt cổ” khi đi vay tiền khiến cho nhiều gia đình trở nên bần cùng hóa.
Trước thực trạng này, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg, về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong đó, có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân.
Dẫn số liệu của Công ty Dịch vụ tài chính FiinGroup, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, có khoảng 60 triệu dân tại vùng nông thôn, vùng ven đô, vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với tín dụng chính thức.
“Khó ở đâu thì phải gỡ ở đấy, tín dụng đen “đánh” vào nhu cầu vay vốn của người dân. Vậy nên, để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp” – TS Lực khẳng định.
Hệ sinh thái tài chính tiêu dùng
Đến thời điểm hiện tại, cho vay tiêu dùng từ hệ thống các công ty tài chính, các tổ chức tài chính vi mô đang được các chuyên gia đánh giá là phương án thay thế tối ưu giúp xóa bỏ tín dụng đen. Bởi hình thức cho vay này hội tụ đầy đủ những ưu thế về cách thức, đối tượng cho vay cũng như đảm bảo tính an toàn cho người đi vay.
Với các gói cho vay tiêu dùng, khách hàng được hưởng lợi là có ngay hàng hoá, dịch vụ để sử dụng, tiêu dùng dù trong túi chưa có đủ tiền, hay được đáp ứng các nhu cầu tiền mặt để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong cuộc sống.
"Đặc biệt, so với tín dụng đen, các hợp đồng giao dịch giữa người đi vay và tổ chức tín dụng đều quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ từ hai phía. Hình thức cho vay tiêu dùng được bảo hộ từ phía pháp luật khi hợp đồng dân sự hình thành", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Thực tế cũng cho thấy lãi suất của các hình thức cho vay tiêu dùng từ ngân hàng hay các tổ chức tài chính hiện nay dù được cho là cao nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tín dụng đen và được đưa ra trên nguyên tắc thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức lãi suất thỏa thuận đã chứa đựng đầy đủ yếu tố thị trường. Vấn đề là cần khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển các sản phẩm tài chính tiêu dùng trở thành hệ sinh thái đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân.
TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp được nhiều dịch vụ hơn. Từ đó, tạo ra một hệ sinh thái, kết nối giữa các công ty tài chính tiêu dùng, các ngân hàng, Fintech với các công ty bán lẻ. Khi các dịch vụ này phát triển, giúp người dân dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi, với thủ tục nhanh gọn, lãi suất vay hợp lý sẽ hạn chế được vấn nạn tín dụng đen hoành hành./.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ke-don-thuoc-manh-tri-tin-dung-den-20201231000000441.html