1. Sữa tươi
Trong giai đoạn từ 0 - 12 tháng thì loại sữa tốt nhất dành cho bé chính là sữa mẹ. Nếu bạn không có đủ sữa cho bé bú thì nên lựa chọn loại sữa công thức để bổ sung cho phù hợp. Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại sữa tươi bò, sữa dê.
Trẻ dưới 1 tuổi chưa thể tiêu hóa các enzim và protein trong sữa bò, dê. Một số khoáng chất trong sữa tươi có thể gây hại cho thận hoặc kích ứng dạ dày và ruột của bé. Ngoài ra, sữa tươi không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh trong năm đầu đời.
2. Hoa quả, nước trái cây chứa nhiều vitamin C và axit
Tránh cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn các loại trái cây và nước trái cây như cam, quýt, bưởi, chanh. Những trái cây này chứa nhiều vitamin C và axit có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ.
Nếu muốn cho trẻ uống nước trái cây (sau khi có sự đồng ý của bác sĩ) hãy lựa chọn các loại nước ép táo, lê, nho trắng và pha loãng với nước.
3. Lòng trắng trứng
Trứng là loại thực phẩm tuyệt vời chứa nhiều protein, vitamin D, các vitamin và khoáng chất khác nhưng không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn lòng trắng trứng để tránh bị dị ứng.
Bác sĩ khuyên bạn sau 7-10 tháng tuổi có thể cho trẻ ăn lòng đỏ trứng. Đến 5 tuổi trẻ sẽ phát triển hệ thống miễn dịch chống lại dị ứng lòng trắng trứng.
4. Thực phẩm làm từ bột mì
Có thể cho trẻ dưới 1 tuổi ăn cơm hay ngũ cốc yến mạch nhưng không nên cho bé ăn các thực phẩm từ bột mì. Hãy đợi cho đến khi trẻ 2-3 tuổi mới cho trẻ làm quen với các thực phẩm làm từ bột mì vì một số thành phần trong bột mì có thể gây dị ứng cho trẻ.
Gluten trong bột mì từ lúa mì, lúa mạch có thể gây phát ban, tiêu chảy, táo bón hoặc khó ngủ cho trẻ nhỏ. Nếu bé bị phát ban hoặc bắt đầu thở khò khè sau khi ăn thực phẩm từ lúa mì hãy báo ngay cho bác sĩ vì có thể con bạn đã bị dị ứng bột mì.
5. Hải sản có vỏ
Một loại thực phẩm khác có thể gây dị ứng cho trẻ là hải sản, đặc biệt là hải sản có vỏ như tôm, cua, sò, ngao, ốc… Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ ăn các loại cá không xương, kể cả cá ngừ nhất là nếu trong gia đình bạn có tiền sử dị ứng hải sản. Đặc biệt lưu ý không cho trẻ dưới 1 tuổi ăn bất kỳ loại hải sản nào có vỏ.
6. Một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá mập, cá thu, cá kình
Hàm lượng thủy ngân là các loại kim loại nặng gây hại như sắt, kẽm đồng, chì, cadmium, arsenic,… trong các loại cá trên rất cao. Nếu bạn cho trẻ dưới 1 tuổi ăn sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh và khả năng tăng trưởng của bé sau này.
7. Đồ ăn mềm, dẻo
Không nên cho bé ăn những đồ ăn mềm, dẻo như thạch, kẹo dẻo…vì chúng dễ mắc nghẹn trong họng bé. Nếu bé bị nghẹn mà không được phát hiện kịp thời thì sẽ dẫn tới cản trở quá trình hô hấp gây nguy hiểm cho bé.
8. Thực phẩm quá cứng
Không nên cho trẻ ăn các đồ ăn nhỏ và quá cứng như lạc, bỏng ngô, rau sống, bánh kẹo, hoa quả khô, các loại hạt … vì chúng rất nguy hiểm với trẻ nhỏ, có thể gây ra nghẹn hoặc nghẹt thở. Tốt nhất nên cho bé ăn các đồ đã được thái hạt lựu và nấu chín mềm.
9. Mật ong
Trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn mật ong dù nguyên chất hay nấu cùng các loại thực phẩm khác. Không chỉ vì nhiều đường, mật ong không tốt cho trẻ sơ sinh vì chứa vi khuẩn Clostridium botulinum.
Mặc dù vô hại với người lớn nhưng những vi khuẩn này tiết ra độc tố có thể dẫn đến teo cơ bắp, kém ăn… và thậm chí bại liệt ở trẻ nhỏ. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ khỏe để chống lại các vi khuẩn và độc tố đó.
10. Muối
Với trẻ em, chức năng thận còn non nớt, vì vậy không nên cho muối vào thức ăn của trẻ trước khi trẻ 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi nên ăn nhạt để thận của bé không phải “làm việc” quá tải.
Nêm nhiều muối khi nấu bột, cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi bé lớn. Thói quen này dẫn đến khả năng bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai.
Ở tuổi ăn dặm dưới 01 tuổi, các thức ăn hợp với lứa tuổi này đã có chứa một lượng muối như bột ngũ cốc, hoa quả, nước hoa quả, thịt, thịt gia cầm, cá, trứng, rau. Do vậy, không cho muối vào thức ăn của trẻ.
11. Đường
Tốt nhất các mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng các loại bánh ngọt, bích quy, kẹo, kem,… vì trong những loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất ngọt gây sâu răng khi răng trẻ vừa mới nhú mọc.
Ngoài ra, cho trẻ ăn đường sẽ gây cho trẻ cảm giác ngang dạ, chán ăn, không thèm ăn khi vào bữa chính. Chỉ nên thêm đường vào thức ăn của trẻ khi thực sự cần thiết. Bởi vì đường không phải là thực phẩm có nhiều chất bổ dưỡng, chúng cung cấp năng lượng nhưng thiếu đi vitamin, khoáng chất và chất xơ.