Ngày trước, thuật phong thủy thường chú trọng đến việc tìm huyệt để đặt mồ mả (gọi là âm trạch). Ngày nay, quan niệm đã dần dần thay đổi, con người chú trọng hơn đến cuộc sống, công việc của người đang sống.
Vì vậy, người ta thiên về ứng dụng phong thủy vào việc chọn đất làm nhà (dương trạch); không những là nhà để ở mà cả văn phòng, công sở, nhà máy, xí nghiệp…, nghĩa là dùng phong thủy để điều khiển việc kinh doanh, chăm lo đời sống.
Có không ít nhà đầu tư nước ngoài đã rước thầy phong thủy từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... sang làm lễ động thổ, đặt hướng nhà cho công ty.
Không những thế, nhiều doanh nhân thời nay còn rất quan tâm đến việc bố trí nội thất trong công sở với mong muốn tạo thuận lợi nhất trong kinh doanh và sức khỏe.
Theo phong thủy, trong công sở thì căn phòng quản trị và người đứng đầu (Giám đốc) là nơi cần quan tâm nhất. Người ta cho rằng, một công ty hoạt động tốt hay không phụ thuộc vào chủ tịch và quản trị (hay người đứng đầu trong một đơn vị). Vì thế, vị trí của người này hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến vận may, sinh mệnh của công ty, từ đó ảnh hưởng đến từng cá nhân trong hệ thống đó.
Góc quyền lực của giám đốc
Theo quan niệm của phong thủy, người quản trị, giám đốc (hay người điều hành một cơ quan, đơn vị) phải ngồi ở vị trí có thể ban mệnh lệnh một cách thuận tiện nhất để sai phái nhân viên của mình.
Cũng theo quan niệm của phong thủy, quyền hành thường tập trung ở góc xa nhất trong văn phòng và vị thế của người chủ cũng xuất phát từ đây.
Có nhiều câu chuyện kể về vị trí làm việc trong văn phòng ảnh hưởng như thế nào đến công việc. Chẳng hạn, có một nhà điều hành thường xuyên gây gổ với đồng nghiệp của mình ở một xí nghiệp nhỏ đã nhận thấy rằng, khi công ty dời đi và ông đã có văn phòng riêng của mình thì mọi thứ bắt đầu thay đổi theo sự điều khiển của ông.
Còn một kiến trúc sư nọ theo lời khuyên của một chuyên gia phong thủy đã từ chối việc chuyển đến một văn phòng mới, vì đó là một “căn phòng khó chịu” mà chẳng ai muốn bước vào do phải đi qua một lối đi đã hẹp lại còn ngoằn ngoèo.
Những người trong phòng thường xuyên cãi vã với đồng nghiệp đến mức người ta phải sửa lại căn phòng này cho dễ chịu hơn và sau đó, quyền lực, trật tự, đã được lập lại.
Theo phong thủy, bàn làm việc (và đồ đạc) trong phòng phải đặt trên đường chéo góc với cửa ra vào vì đó là vị trí quan trọng tối đa để nắm quyền điều khiển.
Ngồi làm việc ở vị trí đó, người ta có thể bao quát được không gian lớn nhất, và cảm nhận cũng như chứng tỏ được vị thế của mình. Đó cũng là nơi tốt nhất để khuếch trương công việc.
Đồng thời, vị trí này cũng cách xa cửa ra vào nên hạn chế được những tác động từ bên ngoài, tránh bị giật mình khi đang làm việc.
Người xưa cho rằng, nếu thường xuyên bị giật mình do vị trí thất cách sẽ làm mất cân bằng dòng khí và cản trở công việc.
Còn khoa học ngày nay chứng minh, điều đó làm tâm thần trở nên hỗn loạn, bối rối và cả sự bực mình hay nổi cáu, gây ức chế thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến giải quyết và hiệu quả công việc.
Đặt bàn giám đốc theo sơ đồ Bát quái phối Tam môn
Đồng thời, các nhà phong thủy cũng thường áp dụng sơ đồ Bát quái phối Tam môn để đặt bàn làm việc nói chung và bàn giám đốc nói riêng, sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Theo đó, phòng làm việc của giám đốc tốt nhất là mở cửa bên phải (để được cung Quý nhân phù trợ) hoặc mở cửa giữa (để được cung Nghề nghiệp – Sự nghiệp).
Khi đó, bàn làm việc đặt ở vị trí khoảng giữa cạnh đối diện để được cung Danh tiếng, cũng là cung Quan lộc. Như vậy, nếu cửa mở bên phải thì bàn làm việc vẫn nằm trên đường chéo với cửa ra vào và bao quát được không gian rộng.
Còn nếu cửa mở giữa, sẽ dịch chuyển bàn làm việc về góc trái, ở vị trí cung Của cải – Tài lộc, đồng thời đặt một chậu cây trước bàn làm bình phong để điều hòa luồng khí sẽ rất tốt.
Nếu vì một lý do nào đó mà không thể đặt bàn làm việc trên đường chéo góc với cửa ra vào, nhà phong thủy thường khuyên người ta lắp tấm gương ở bức tường bên cạnh để phản chiếu ra cửa, tạo cho luồng ánh sáng đi theo đường dài nhất; mặt khác, đặt gương có thể làm tăng sinh khí, đem lại may mắn và nhất là có lợi cho ngân quỹ.
Xét thấy: Nếu trong phòng làm việc chung, người điều hành ngồi ở vị trí có tầm quan sát rộng sẽ giúp cho họ giám sát được nhân viên của mình và bao quát được công việc. Vì vậy mà văn phòng hoạt động được linh hoạt, hiệu quả cao. Ngược lại, các nhân viên sẽ cảm nhận được quyền lực của cấp trên, làm việc tự giác, tích cực hơn vì luôn muốn thể hiện khả năng của mình với “sếp”. Đó là điều có cơ sở khoa học. Còn việc lắp thêm tấm gương cũng không ngoài mục đích để mở rộng tầm quan sát.
Còn tốt nhất là người điều hành có phòng làm việc riêng và vẫn bố trí bàn ở vị trí xa cửa nhất.