Hỏi: Tôi thường nghe câu nói của người xưa: “Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy”. Như vậy, trong các yếu tố liên quan đến số phận con người thì phong thủy chỉ đứng thứ ba. Thế nhưng, thực tế trong cuộc sống thì con người ta lại rất coi trọng phong thủy, nếu không muốn nói là coi trọng nhất, là cớ tại sao?
(Bạn Nguyễn Hải Yến, toàn nhà Chung cư Đại Thanh – Hà Nội)
Trả lời: Trước tiên, xin cảm ơn bạn đã quan tâm đến lĩnh vực và vấn đề mà hầu như ai cũng ít nhiều đụng chạm tới nhưng lại không có nhiều người hiểu một cách thấu đáo. Thực ra, câu đầy đủ của tiền nhân là: “Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy, tứ tích âm đức, ngũ độc thư”. Nghĩa của câu đó là, đối với số phận một con người thì điều quan trọng nhất là mệnh, thứ hai đến vận, thứ ba là phong thủy, thứ tư tích công đức và thứ năm là đọc sách.
Để giải thích Mệnh và Vận một cách thấu đáo sẽ rất công phu và dài dòng vì nó liên quan đến những thuyết, những khái niệm, những quan niệm… của tiền nhân, đặc biệt là Kinh Dịch. Hay ít nhất cũng phải hiểu Tử vi đẩu số, Tử bình, Bát tự Hà Lạc… Tuy nhiên, để không mất nhiều thời gian của bạn, ta có thể hiểu một cách cơ bản nhưng ngắn gọn về những khái niệm đó như thế này:
Mệnh là yếu tố thiên định, do trời sinh. Mỗi con người khi sinh ra đã được trời ban cho một Số Mệnh và điều đó quyết định số phận của họ sau này. Theo các môn Lý Số của phương Đông thì mệnh con người gắn chặt với thời điểm mà họ sinh ra, căn cứ vào Tứ trụ là trụ năm, trụ tháng, trụ ngày và trụ giờ.
Thực ra, theo khoa học hiện đại thì ngoài yếu tố di truyền, thời điểm và địa điểm khi con người sinh ra ảnh hưởng rất lớn đến tính cách con người bởi sự tác động của nhiều trường khác nhau như từ trường, điện trường, trường khí và luồng bức xạ của các thiên thể…
Điều đó có nghĩa, mỗi con người đều được xác định bởi một tọa độ không – thời gian bốn chiều riêng biệt, không ai giống ai và nó quyết định khí chất, tính cách của mỗi người. Mà tính cách lại quyết định số phận.
Vận là sự vận động của Mệnh trên trục thời gian đến từng thời điểm nhất định trong cuộc đời con người. Vận cũng có thể coi như Thời, là kết quả của Mệnh sau khi chịu tác động của hoàn cảnh khách quan.
Nó là biểu hiện cụ thể của Mệnh trong cuộc sống nhưng không hoàn toàn trùng khớp với Mệnh. Nếu coi Mệnh như một đường trục thẳng thì Vận gần giống như hình sin dao động quanh trục đó.
Phong thủy chiết tự là “gió” và “nước”, tựu trung lại là “khí”, có thể hiểu nôm na là môi trường sống tác động lên con người, trong đó có cả môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và thế giới tâm linh.
Âm phúc là phúc đức của tổ tiên để lại và cũng là kết quả tích đức của bản thân đương số.
Còn độc thư tức là đọc sách, ngày nay hiểu một cách khái quát đó là sự học hành, tích lũy kiến thức của bản thân.
Như vậy, có thể nói hai yếu tố đầu (Mệnh và Vận) là do Thiên định, con người chỉ nắm bắt để hạn chế mặt xấu, phát huy mặt tốt chứ ít có thể tác động để thay đổi.
Thậm chí có người còn cho rằng, nếu đã là Số thì càng chạy xa để trốn tránh thì số càng đến nhanh (cha ông ta cũng từng có câu: “Trăm đường tránh không khỏi số”) mà câu chuyện Oedipus (Ơdip) làm vua trong thần thoại Hy Lạp là một ví dụ điển hình.
Chuyện kể về nhà vua Laius và hoàng hậu Jocaste tại thành Thebes. Hai người lấy nhau đã lâu nhưng chưa có con, bèn đến đền thờ thần Apollo cầu tự.
Thần cho biết nhà vua sẽ có con trai nhưng lại phán rằng, đứa con ấy sau này sẽ giết cha, lấy mẹ. Lo sợ về lời sấm truyền và để tránh tai hoạ ấy, khi đứa bé vừa chào đời, nhà vua sai người chăn cừu ném xuống thung lũng cho chết (chạy trốn Số Mệnh lần thứ nhất).
Tuy nhiên, đứa trẻ lại được người chăn cừu cứu thoát, trao nó cho một người khách lạ mang sang nước láng giềng, sau được vua nước này đón về làm con nuôi, đặt tên là Oedipus.
Lớn lên, Oedipus biết chuyện mình chỉ là con nuôi, buồn bã bỏ nhà đi, đến đền thờ thần Apollo tìm lời giải đáp, nhưng lại được Thần phán chàng là người sẽ giết cha lấy mẹ. Hoảng sợ, Oedipus bèn bỏ đi thật xa để tránh Số Mệnh (cuộc chạy trốn thứ hai) nhưng không ngờ lại chạy về chính đất nước của cha mẹ đẻ mình.
Tại một ngã ba đường, xảy ra tranh cãi với một đoàn người, chàng đã giết chết họ và vô tình giết luôn cả cha đẻ của mình trong đó mà không hề hay biết. Oedipus vào thành Thebes, tiêu diệt được con nhân sư đang gây họa cho thành phố, chàng lên làm vua và lấy hoàng hậu của xứ này mà không biết đó chính là mẹ ruột của mình.
Sau khi biết được sự thật là người giết cha lấy mẹ, chàng tự chọc mù đôi mắt và lặng lẽ bỏ đi, sống cuộc đời còn lại trong đau khổ và dằn vặt.
Kể lại câu chuyện trên, chúng tôi muốn trao đổi với bạn rằng, theo quan niệm của người xưa thì Số Mệnh là cái hầu như không thể thay đổi được, thậm chí nếu càng cố tình chạy trốn, nó càng đến nhanh hơn mà thôi.
Như vậy, có thể coi Mệnh và Vận do trời định, tạo tích công đức (Âm đức) và tích lũy tri thức (Độc thư) do tự thân con người thực hành, còn Phong thủy nằm ở giữa hai phạm trù đó, vừa liên hệ với thế giới tâm linh huyền ảo, thần bí, vừa liên quan trực tiếp đến môi trường xung quanh.
Do đó, Phong thủy là lĩnh vực mà con người có thể chủ động tác động để dùng công năng trời đất điều chỉnh số mệnh làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
Nói một cách hình ảnh, con ngưởi ta không thể tự chọn được cho mình cha mẹ, không tự chọn được cho mình ngày sinh tháng đẻ, nhưng con người hoàn toàn có thể chọn được cho mình nơi ở và làm việc.
Thậm chí còn có thể cải tạo nơi ở và làm việc cho phù hợp với địa thế, cảnh quan và các yếu tố tự nhiên khác theo ý thích của mình để có một cuộc sống hài hòa, khỏe mạnh và làm việc hiệu quả. Đó chính là Phong thủy.
Cái ý thích của mình mà chúng tôi vừa đề cập chính là Mệnh gắn liền với Tuổi của mỗi con người. Còn việc chọn và điều chỉnh nơi ở, làm việc của mình cho hợp với Mệnh và Tuổi của mỗi người chính là lĩnh vực hoạt động của Phong thủy.
Chính vì vậy, mặc dù là yếu tố thứ ba tác động đến số phận con người, đứng sau Mệnh và Vận, nhưng Phong thủy lại là yếu tố mà con người có thể chủ động lựa chọn, vận dụng để tác động vào Số Mệnh nên được con người bao đời nay vẫn quan tâm và ứng dụng vào cuộc sống của mình để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.