Khách hàng đòi quyền lợi, doanh nghiệp không trả lời

Sản phẩm Dầu gội Thu Hương của Công ty TNHH 1 thành viên Dầu Đông y Thu Hương (địa chỉ tại số 2, ngách 10, ngõ 329 phố Bạch Mai, phường Bạch Mai, Hà Nội) được quảng cáo là theo công thức gia truyền từ Lương y Thu Hương - bác sĩ khoa Y học cổ truyền. Vói chiết xuất 100% từ thiên nhiên, không gây kích ứng, cam kết hoàn tiền 100% nếu không hiệu quả và miễn phí giao hàng trên toàn quốc. Qua giới thiệu của hotline Dầu gội Thu Thương, thì hiện tại doanh nghiệp này có 2 dòng sản phẩm chính gồm trị bạc tóc và trị nấm, kích thích mọc tóc, ngăn ngừa tóc rụng. Một bộ sản phẩm (dù thuộc dòng nào) bao gồm 2 chai trị giá 400.000 đồng sử dụng trong vòng 30 ngày.

Theo phản ánh của chị Thanh Bình có hộ khẩu tại Hà Nội, là khách hàng đã mua tổng cộng 8 sản phẩm Dầu gội Thu Hương, tuy nhiên những kết quả đạt được từ các sản phẩm này lại không hề đúng sự thật. Cụ thể, từ đầu năm 2017 chị mua 1 liệu trình với giá 1 triệu đồng bao gồm 2 chai dầu gội và 2 chai xịt tinh chất. Mặc dù khi sử dụng chị thấy mùi rất hôi nhưng vẫn cố dùng cho hết để cải thiện tình trạng rụng tóc nhưng không có hiệu quả.

Sản phẩm Dầu gội Thu Hương mà chị Bình sử dụng

Sản phẩm Dầu gội Thu Hương mà chị Bình sử dụng

Sau khi chị thông báo không mua liệu trình tiếp theo, nhân viên của Dầu gội Thu Hương đã tư vấn chị mua thêm 1 liệu trình thuốc cải tiến mới tốt hơn, đảm bảo trị dứt điểm tình trạng và sẽ hoàn tiền 100% cả 2 lần mua nếu không có hiệu quả như cam kết. Tổng cộng, chị đã bỏ ra 1.800.000 đồng để đổi lại những đêm ngứa đầu đến không ngủ được, tóc bốc mùi khó chịu khiến chị không dám đứng gần người khác, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống gia đình và công việc.

Ngay khi cảm thấy bị lừa dối bởi sản phẩm kém chất lượng, chị Bình đã liên hệ lại với đại lý bán sản phẩm Dầu gội Thu Hương để phản ánh vấn đề này và được hứa hẹn sẽ hoàn trả lại tiền sản phẩm theo như cam kết và quảng cáo. Mặc dù vậy, cho đến nay thì "lời hứa" cũng chỉ là lời nói suông khi không có động thái gì từ phía nhà cung cấp, kể cả khi chị đã gọi điện phản ánh đến cả 3 số điện thoại được in trên bao bì sản phẩm.

Theo đó, 3 số điện thoại trên sản phẩm đều là số hotline của Dầu gội Thu Hương, tuy nhiên lại được nhân viên tư vấn cho chị Bình là "số của những người đứng đầu, số này giúp khách giải quyết khiếu nại". Thế nhưng, khi chị Bình nói về việc chị đã liên hệ nhiều lần đến cả 3 số trên và không còn được nghe máy thì nhân viên này trả lời đã tiếp nhận thông tin và sẽ báo cáo với công ty để xử lý trường hợp của chị. Đây là câu trả lời mà chị Bình vẫn nhận được suốt 1 năm qua.

Tin nhắn trao đổi giữa chị Bình và nhân viên của Dầu gội Thu Hương

Tin nhắn trao đổi giữa chị Bình và nhân viên của Dầu gội Thu Hương

Không chỉ chị Bình là nạn nhân của Dầu gội Thu Hương, anh P.C tại thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh tình trạng tương tự. Anh đã mua 1 liệu trình 8 chai của Dầu gội Thu Hương với giá 1.400.000 đồng, tuy nhiên sử dụng không hề hiệu quả. Trong suốt 4 - 5 tháng nay, anh đã nhiều lần liên hệ và cuối cùng là... không còn được bắt máy. 

Chị Bình bức xúc: “Mình không tiếc 1.800.000 đồng mà là mật độ phủ sóng Dầu gội Thu Hương dày đặc toàn chạy quảng cáo ầm ĩ, nhiều khách cũng bị như mình nhưng họ không lên tiếng vì nghĩ Thu Hương không giải quyết thì thôi coi như thí cho bên đó. Nhưng cứ để bên đó lừa khách hàng bằng từ mỹ miều nhà thuốc như này rất là tệ hại. Ảnh hưởng uy tín của các nhà thuốc khác khi bên đó làm mất lòng tin của khách hàng, làm hại nước hại dân.”

Tiếp nhận phản ánh của độc giả, phóng viên đã liên hệ với số hotline 0246.0278.070 của Dầu gội Thu Hương và được chuyển máy tới quản lý bộ phận truyền thông, là người đại diện phát ngôn của doanh nghiệp này. Cho đến giờ, việc xử lý phản ánh của khách hàng mua sản phẩm Dầu gội Thu Hương và những vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp đều được vị đại diện này hẹn trả lời sau... chậm nhất là 1 tuần?

Quảng cáo rầm rộ, tinh vi nhưng có chính xác?

Có thể nói, Dầu gội Thu Hương đã rất thành công trong việc quảng cáo, xây dựng nên hình ảnh một thương hiệu uy tín. Tại bất kỳ website nào của các đại lý phân phối hay trang chủ của Dầu gội Thu Hương, người truy cập đều phải choáng ngợp trước những cam kết “có cánh” như “phục hồi làn tóc cho hơn 90.000 người Việt”, “hiệu quả tuyệt đối”, “100% thảo dược tự nhiên, điều chế bằng công thức gia truyền” và những từ ngữ như “đặc trị”, “điều trị”…

Con số hơn 90.000 người dùng sản phẩm không rõ theo thống kê nào?

Con số hơn 90.000 người dùng sản phẩm không rõ theo thống kê nào?

Đồng thời, trên hầu hết các trang web của Dầu gội Thu Hương như daugoithuhuong.net, thuhuongpharma.com hay dauthuhuong.com, người tiêu dùng dễ dàng thấy hình ảnh những bằng khen, giấy khen về chất lượng sản phẩm này như: Top 10 thương hiệu vàng Thăng Long 2017; Danh hiệu cúp vàng Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng 2017...

Bên cạnh đó, đi kèm với những lời quảng cáo này là ảnh chụp các phiếu kiểm nghiệm sản phẩm, phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Sở Y tế Hà Nội cấp. Thế nhưng, qua quan sát kỹ, người tiêu dùng có thể nhận ra những điểm bất thường trong chính những thông tin mà Dầu gội Thu Hương đăng tải.

Cụ thể, trên website của Dầu gội Thu Hương quảng cáo “Sản phẩm đã được Bộ Y tế công nhận An Toàn, Hiệu Quả theo quyết định ký ngày 03/5/2013 số công bố 456/13/CBMP-HN”, nhưng lại sử dụng hình ảnh phiếu kiểm nghiệm sản phẩm số 547/KN-13 được Trung tâm Kiểm nghiệm (nay đã sáp nhập vào Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội), Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 21/2/2013 cho sản phẩm Dầu massage dưỡng tóc, tạo tóc Mỹ Trang.

Giấy chứng nhận của một sản phẩm khác không phải Dầu gội Thu Hương

Giấy chứng nhận của một sản phẩm khác không phải Dầu gội Thu Hương

Theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm thì sản phẩm mỹ phẩm chỉ được sử dụng với mục đích duy nhất hoặc chính là làm sạch, làm thơm hoặc điều chỉnh mùi cơ thể hoặc bảo vệ, giữ gìn chúng trong những điều kiện tốt. Đối với sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc tóc không được giới thiệu tính năng sản phẩm với các công dụng như: Loại bỏ gàu vĩnh viễn, phục hồi tế bào tóc, nang tóc, làm dày sợi tóc, chống rụng tóc, kích thích mọc tóc…

Đồng thời, với các trường hợp thay đổi nhãn hàng, tên sản phẩm, mục đích sử dụng, công thức sản phẩm, thay đổi nhà sản xuất, công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường thì đều phải thực hiện công bố mới, tương ứng với nó phải có một tiêu chuẩn kiểm định chất lượng riêng. Trong trường hợp mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc không đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm của Thông tư 06/2011/TT-BYT thì tùy mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi.

Không những vậy, ngay trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, bộ dầu gội, xịt tóc Thu Hương được ghi mục đích sử dụng là “làm sạch, thơm tóc và da đầu; giữ ẩm cho tóc và da đầu, dưỡng tóc phát triển hơn… làm mát da dầu cho mái tóc khỏe mạnh và mềm mượt. Chăm sóc tốt và da trong điều kiện tốt, hết bết tóc do mồ hôi dầu, góp phần ngăn ngừa và hỗ trợ các trường hợp rụng tóc, gầu, nấm ngứa, viêm da...”

Những Phiếu công bố sản phẩm với mục đích

Những Phiếu công bố sản phẩm với mục đích "hỗ trợ", không có tác dụng "điều trị"

Tên gọi sản phẩm thì khác biệt, mục đích sử dụng được Sở Y tế Hà Nội công nhận cũng không hề có những tính năng điều trị như Dầu gội Thu Hương đã và đang quảng cáo. Như vậy, phải chăng Công ty TNHH 1 thành viên Dầu đông y Thu Hương đang “lập lờ đánh lận con đen” những công năng của sản phẩm này, khiến người tiêu dùng tin vào một loại “thần dược” có công dụng đáng kinh ngạc và bỏ tiền ra mua, để rồi nhận lại là sự thất vọng như chị Thanh Bình và anh P.C?

Theo quy định tại Điều 21, Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 quy định về quản lý mỹ phẩm: “Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu của của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN”.

Và theo hướng dẫn ASEAN về cách nêu công dụng của mỹ phẩm: “Nguyên tắc chung là sản phẩm mỹ phẩm chỉ được nêu những công dụng có lợi như một mỹ phẩm, chứ không phải là công dụng có lợi về y học hay điều trị”.

Trước đây, Dầu gội Thu Hương đã từng dính “lùm xùm” khi sử dụng hình ảnh của nhiều cá nhân các nhà báo nhưng thay tên đổi họ để đưa ra những nhận xét “có cánh” để đánh lừa khách hàng và quảng cáo trá hình cho sản phẩm. Như trường hợp anh Đỗ Mạnh Cường - Cty TNHH Cơ khí Thuận Thiên Phát, thực tế là nhà báo Hoàng Linh. Hình ảnh anh Trần Tuấn Vũ - Cty TNHH Thương mại và Công nghiệp Nam Tín Phát thực tế là nguyên Tổng biên tập báo Lao Động - ông Trần Duy Phương.

Vậy, sản phẩm Dầu gội Thu Hương là mỹ phẩm hay một loại thuốc đặc trị, điều trị các vấn đề liên quan đến tóc và da đầu? Tại sao một doanh nghiệp với sản phẩm chỉ có các giấy tờ “mập mờ” như Dầu gội Thu Hương vẫn có thể hoạt động mạnh mẽ suốt những năm qua, đạt được nhiều bằng khen, giấy khen?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ./.

Theo Minh Đỗ/ Đô Thị Mới