Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng khá mạnh, sau hai tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm.

Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỉ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; Vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỉ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 908 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kỳ.

Đây là một kết quả tích cực, bởi theo Cục Đầu tư nước ngoài, ngoại trừ vốn đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần giảm, thì cả đầu tư mới và đầu tư mở rộng đều tăng.

Trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài cấp mới và tăng thêm đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 
Trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài cấp mới và tăng thêm đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy vậy, trên thực tế, theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm đã được cải thiện.

Cụ thể, số lượng dự án đầu tư mới giảm 69,1%; Đầu tư tăng thêm giảm 31,8%; Còn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần giảm 70,9% so với cùng kỳ. Mức giảm cũng khá mạnh.

Quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng mạnh so với cùng kỳ là nguyên nhân chính khiến vốn đăng ký mới tăng thêm 30,6% và vốn điều chỉnh tăng 97,4%.

Trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho khá nhiều dự án quy mô lớn.

Lớn nhất là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD, tại Long An. Tiếp theo là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ USD, tại Cần Thơ.

Bên cạnh đó, còn có Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD.

Đặc biệt, đầu năm nay, còn có Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, bởi đã chứng minh mối quan tâm của “ông lớn” Apple tới thị trường Việt Nam.

Một điểm tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong quý đầu năm, đó là vốn giải ngân ước đạt 4,1 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tình hình sản xuất - kinh doanh tích cực hơn sau ảnh hưởng của Covid-19, cộng thêm việc đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh hơn việc triển khai xây dựng các nhà máy ở Việt Nam. Và do đó, vốn giải ngân đã tăng lên.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, nhờ tình hình sản xuất - kinh doanh đã dần hồi phục, mà kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm.

Cụ thể, xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt 58,59 tỉ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ, chiếm 76,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 58,21 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ, chiếm 75,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 49,8 tỉ USD, tăng 30,3% so cùng kỳ và chiếm 66,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 8,8 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 8,4 tỉ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỉ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,1 tỉ USD.

Quay trở lại với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm, số liệu tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỉ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,9 tỉ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD và trên 167 triệu USD. Còn theo đối tác, thì đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỉ USD, chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỉ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư.

Điều đáng nói, đó là vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 93,4% và 70,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.

Trong khi đó, Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỉ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…

Theo Nguyên Đức/Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-tang-manh-dat-tren-10-ti-usd-54050.html?fbclid=IwAR07Z0tQGV4XaRZqa0LzsrfwFpxg3SO3paabZ4x7AUPoGmXo0um5tAy0HyA