Với dự báo là thị trường sôi động nhất thế giới khiến làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục “đổ” vào thị trường bán lẻ Việt Nam và tạo ra nhiều thách thức cho các DN nội địa. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh chiến lược mở rộng thị phần, khẳng định vị thế sân nhà, các DN bán lẻ cần có những đối sách phù hợp với sự chuyển mình của xu hướng bán lẻ cũng như thay đổi của NTD.
Bộ Công thương cho biết, nếu như năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước chỉ ở mức 19,3 triệu đồng/người, đến 2019 đã lên 51,2 triệu đồng/người, đóng góp xấp xỉ 8% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính vì vậy, thị trường bản lẻ hiện đại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng trong năm nay. Do đó, thị trường bán lẻ vẫn còn rất tiềm năng để nhà đầu tư nước ngoài khai thác.
Báo cáo mới đây của một số Cty nghiên cứu thị trường cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã mở cửa đón sự xuất hiện của một số thương hiệu bán lẻ đình đám từ nước ngoài với nhiều chuỗi cửa hàng như Uniqlo, GG25… Dù vậy, có một vài thương hiệu lớn của Việt Nam phải tái cấu trúc hoặc rút lui khỏi thị trường. Chẳng hạn như thương vụ mua bán và sáp nhập của Massan với chuỗi VinEco và VinCommerce, ngay sau đó Massan đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng Vinmart+ và mở thêm khoảng vài chục siêu thị Vinmart mới. Cùng với đó, số siêu thị của năm 2020 đã giảm khoảng 20% từ 336 siêu thị xuống còn 330 siêu thị. Ngược lại, số lượng cửa hàng tiện lợi lại có mức tăng đáng kể với 60% từ 2.495 cửa hàng lên 5.228 cửa hàng; trung tâm thương mại tăng 11% từ 96-107 trung tâm; cửa hàng nhỏ tăng 163-170 cửa hàng; thuốc, mỹ phẩm tăng 30% từ 340-679 cửa hàng; siêu thị điện máy tăng 11% với 3.141 cửa hàng…
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) khẳng định, năm 2020 đã định hình lại lối chơi của các DN bán lẻ Việt Nam với các thay đổi quan trọng. Chẳng hạn, như các DN bán lẻ phải tinh gọn và tinh chỉnh mô hình tại các TP lớn, mở rộng thị trường ra vùng nông thôn vì hiện vẫn còn khá mỏng và chưa được khai thác nhiều. Ngoài ra, NTD có xu hướng trải nghiệm mua sắm và yếu tố tiện lợi. Nếu các siêu thị không có gì mới, khách hàng sẽ chuyển sang chỗ khác, thâm chí chỗ đó đáp ứng tốt nhu cầu trải nghiệm mua sắm, NTD sẽ không quay lại chỗ cũ nữa.
Nhận định về lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng phát triển thương mại vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, thương mại hàng hóa trong nước và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian. Các biện pháp quản lý thị trường thông qua tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện kinh doanh chưa được thực hiện hiệu quả, gây bất lợi cho các chủ thể khác tham gia thị trường và bất lợi cho NTD. Ngoài ra, hạ tầng thương mại có phát triển nhưng ở một số khu vực vẫn còn yếu kém và lạc hậu. Hạ tầng thương mại bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh... tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các TP, thị xã, thị trấn.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử nhìn chung thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối, thiếu dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics. Để khắc phục những hạn chế trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh các giải pháp như phát triển thương mại nội địa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa như tập trung phát triển thương mại nội địa. Ngoài ra, Bộ tiếp tục tập trung hỗ trợ hình thành các tập đoàn, DN lớn trong lĩnh vực phân phối (cả FDI và DN nội địa), thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới (tiền điện tử) hỗ trợ tích cực cho hoạt động thương mại điện tử...