Đó là ý kiến của GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường phát biểu sáng ngày 26/12 tại hội thảo chuyên đề "Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức.
Tại hội thảo, các khái niệm "bất động sản nông nghiệp", "thị trường bất động sản nông nghiệp"… đã được nhiều chuyên gia làm rõ. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến đánh giá về thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam; Làm rõ những vướng mắc pháp lý, chính sách và kiến nghị giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam…
Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho biết, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng được hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, cởi mở, vận hành theo cơ chế thị trường, nhằm thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp; đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp tư nhân.
Để làm được điều này, việc hình thành một thị trường bất động sản nông nghiệp, phát triển minh bạch, bền vững, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và giá trị của nguồn lực đất đai là một trong những vấn đề hết sức cần thiết.
Đánh giá về điều này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: "Phát triển thị trường mua bán đất đai nông nghiệp và xu hướng tập trung đất đai là tất yếu. Đó là xu hướng làm gia tăng sản lượng nông nghiệp, để áp dụng công nghệ, hiện đại hóa và tăng giá trị gia tăng cho đất nông nghiệp".
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định, thị trường bất động sản nông nghiệp có nhiều tiềm năng, cần được tiếp tục gỡ nút thắt, phát triển gắn với phát triển vùng nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm và các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng xung quanh… để gia tăng cơ hội và tác động lan tỏa, liên ngành cả về kinh tế và xã hội.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Kim Chung (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, thị trường bất động sản nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến triển trong giai đoạn 2000 - 2019. Để có thể phát triển bền vững thị trường bất động sản nông nghiệp, phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có hoàn thiện thể chế, phát triển các thành tố và nâng cấp độ phát triển của thị trường đi liền với tin học hóa hệ thống thông tin, phát triển các công cụ tài chính phái sinh hoàn thiện công tác thu hồi giao đất và tăng cường chế tài đối với thị trường bất động sản nông nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và PTNT – Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, phát triển nông nghiệp và tích tụ, tập trung đất đai có mối quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau. Muốn phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn, hiện đại cần phải tạo ra quỹ đất đủ lớn thông qua việc tích tụ, tập trung đất đai dưới sự can thiệp của Nhà nước hoặc thị trường bất động sản.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TSKH Đặng Hùng Võ lại nhận định: "Nông sản sản xuất ra có năng suất cao, sản lượng lớn, chất lượng tốt sẽ làm tăng giá trị đất đai nông nghiệp. Đầu tư vào bất động sản nông nghiệp lúc này cũng tạo hiệu quả kinh doanh không khác gì đầu tư vào bất động sản phi nông nghiệp, vừa tạo được giá trị đất đai tăng lên và vừa tạo được thu nhập cao từ hiệu quả cao về sản xuất nông nghiệp. Phân khúc bất động sản nông nghiệp và phân khúc bất động sản phi nông nghiệp có khác nhau về tính chất và đặc thù, nhưng hiệu quả không khác nhau là mấy khi đạt được trình độ nông nghiệp hiện đại".
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu lên quan điểm, mục tiêu của việc phát triển phân khúc bất động sản nông nghiệp là thực hiện tốt nhất chủ trương của Chính phủ phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Giải pháp là phải sửa đổi Luật Đất đai 2013 để giải quyết bài toán tập trung hay tích tụ đất đai dựa trên mối liên kết doanh nghiệp - nông dân hoặc liên kết cộng đồng nông dân. Mối liên kết tạo nên sức mạnh về cả đất đai quy mô lớn và nâng cao năng lực tài chính để đầu tư dài hạn và có chiều sâu công nghệ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, những khó khăn về tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp đang là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp khó đầu tư sản xuất ngành nông nghiệp quy mô lớn. Vấn đề này cần được giải quyết khi sửa đổi các luật và văn bản nghị định liên quan.