Mới đây, PGS.TS Ngô Hoàng Long - Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đã chia sẻ với báo chí về việc thống kê và xác suất được xác định là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đáng chú ý, phần kiến thức xác suất, thống kê sẽ được đưa vào dạy từ lớp 2. Thông tin trên đã vấp phải ý kiến trái chiều của dư luận. Rất nhiều phụ huynh cho rằng, bộ môn xác suất, thống kê rất “khó nuốt”. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu nhìn vào nội dung chương trình thì môn học này không đáng sợ, không ghê gớm như người ta bàn tán. Tuy nhiên,điều đáng bàn không phải việc ngành giáo dục đưa gì vào chương trình mà đưa vào và dạy như thế nào để đừng biến môn học trở thành nỗi sợ hãi của con trẻ.
Đơn giản và cần thiết
Xác suất, thống kê trước đây được đưa vào chủ yếu ở lớp 7, lớp 10, một chút ở lớp 4, 5. Ở chương trình mới, nó sẽ xuất hiện từ lớp 2 đến lớp 12, đề cập theo hướng đồng tâm, nâng cao dần.
Nhìn tổng thể, nội dung xác suất, thống kê trong chương trình mới không tăng nặng về kiến thức nhưng thay đổi lớn về thời lượng nhằm hình thành các năng lực, kỹ năng giúp học sinh có nhận thức, có khả năng phân tích, đánh giá, xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Cụ thể ở cấp tiểu học, thời lượng dạy xác suất, thống kê là 3%, đến THPT là 14%.
Trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, GS.TS Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình môn toán - cho biết nhiều người nhìn vào tên gọi “xác suất, thống kê” - vốn là khái niệm trừu tượng - nên lo sợ con trẻ bị quá tải, bị học khó quá và không cần thiết phải học khó như thế ở lớp 2, lớp 3. Nhưng nếu nghiên cứu chương trình, đọc các bài học thiết kế theo chương trình sẽ thấy nó nhẹ nhàng, đơn giản nhưng rất thiết thực với học sinh từ bậc tiểu học. GS. Đỗ Đức Thái đưa ra ví dụ khi chơi cá ngựa, mỗi lần gieo viên xúc xắc, các em học sinh sẽ thấy không thể chắc chắn gieo được mặt sáu, mặt năm, mà còn có thể có cả một, hai... Thao tác đó cho các em khái niệm về sự “chắc chắn” hay “có thể”. Hay một trò chơi khác, cho các quả bóng màu xanh và đỏ vào hộp kín và thò tay lấy bóng ra, có thể sẽ lấy vào quả xanh, nhưng có thể lấy quả đỏ.
Theo ông Đỗ Đức Thái, nói dạy “xác suất” ai cũng sợ, nhưng thực chất nó đơn giản, nhẹ nhàng như thế. Đó là cách để trẻ có khái niệm ban đầu về những hiện tượng, sự việc có thể hoặc không thể xảy ra trong cuộc sống. Nó không chỉ có trong toán, mà còn có trong các môn học khác như tự nhiên xã hội khi đặt ra các tình huống cụ thể. Ví dụ nếu sờ tay vào ổ điện, ổ điện không có điện sẽ không sao cả, nhưng nếu có điện sẽ gặp nguy hiểm. Dạy trẻ điều đó để biết khi ta hành động thì sẽ xảy ra hậu quả gì...
Tương tự, bài học về “thống kê” ở tiểu học cũng đơn giản như vậy. Ở lớp 2, trẻ có thể sẽ thực hiện các yêu cầu đi trong lớp xem có bao nhiêu bạn đang có tẩy, bút chì, vở và ghi lại con số đã đếm. Đó là cách để trẻ làm quen với thao tác thu thập, kiểm đếm đơn giản.
Lớp 3, cao hơn một chút, sẽ ấn định tiêu chí để học sinh thu thập, kiểm đếm. Ví dụ đặt yêu cầu “hãy xem lớp có bao nhiêu bạn nam, bao nhiêu bạn nữ?”. Học sinh đếm và ghi thống kê số học sinh nam riêng, nữ riêng, trên tổng số bao nhiêu...
Dạy như thế nào?
Thực tế, việc đưa bộ môn thống kê vào bậc tiểu học không phải là chuyện lạ. Một số nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức… đều có bộ môn xác suất và thống kê. Nhưng đó là dạng thống kê mô tả từ đó khái quát hóa lên khái niệm xác suất. Họ chỉ yêu cầu cơ bản học sinh có thể hiểu được các khả năng xảy ra với một sự kiện, có thể đọc và hiểu được số liệu trong biểu đồ…
Tuy nhiên, theo các giáo viên, việc dư luận xã hội có ý kiến trái chiều không phải việc ngành giáo dục đưa gì vào chương trình mà đưa vào và dạy như thế nào để đừng biến môn học trở thành nỗi sợ hãi của con trẻ.
Là người tiếp cận với nhiều chương trình phổ thông quốc tế, thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh dẫn chứng: quyển sách Comprehensive Curriculum of basic skills bán ra hơn 10 triệu bản tại Mỹ, từ lớp 4 có dạy về xác suất. Nhưng hầu như việc dạy rất đơn giản, ví dụ xác suất hai mặt của đồng tiền. Sách này cũng cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 100 nhưng cách dạy của họ đơn giản hơn. Họ sẽ ra những bài tập đơn giản, số chẵn, không đánh đố, không mẹo vặt… chủ yếu để dạy học sinh nắm được nguyên lý của kiến thức. Còn mình thì cũng kiến thức đó nhưng cho những bài toán thật khó, số lẻ, đánh đố… “Bởi vậy, tôi cho rằng không quan trọng là đưa kiến thức gì vào dạy mà đưa như thế nào cho phù hợp với tâm lý độ tuổi, kỹ năng nhận biết của trẻ, làm cho trẻ thấy thích thú khi học”, thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh nhấn mạnh.
Thầy Lâm Vũ Công Chính - giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết: đưa kiến thức xác suất, thống kê vào dạy từ lớp 2 là chuyện bình thường, thậm chí là tốt nhưng cần coi lại chuẩn đầu ra. Học sinh sẽ có tư duy phân tích dữ liệu. Các nội dung khác của môn toán cũng chỉ nên dừng lại ở kiến thức cơ bản, chứ đừng quá chuyên sâu, hàn lâm. Nhưng vì đề thi đặt nhiều câu hỏi khó buộc thầy trò phải “chạy đua vũ trang” theo.
Toán học chia ra nhiều ngành, trong đó có thể xem có hai mạch chính là: toán lý thuyết và toán ứng dụng. Chương trình sách giáo khoa trước đây và hiện hành cũng có đưa toán ứng dụng vào, cụ thể là thống kê và xác suất... nhưng bị xem nhẹ do đề thi ít đề cập mảng kiến thức này.
Do vậy, giáo viên và học sinh gần như chỉ lướt nhanh qua. Vì dạy mà không thi thì uổng phí và học sinh cũng không chú tâm. Chương trình mới hay cũ thì nội dung kiến thức cũng không thay đổi nhiều, nhưng muốn đổi mới giáo dục cần làm đồng bộ, trong đó đổi mới cách đánh giá mới quan trọng. Nên thay đổi cách đánh giá đầu ra thay vì bàn cãi nội dung bài dạy.
Cần cẩn trọng
Thầy giáo Lê Đức Vĩnh - nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng việc tiếp cận với kiến thức xác suất – thống kê ngay từ lớp 2 có lẽ còn hơi sớm đối với học sinh. “Ở lứa tuổi này, khả năng ngôn ngữ của các em chưa hoàn thiện, việc đưa các câu hỏi như tung một đồng xu thì sẽ có khả năng rơi ra mặt nào… thì tôi cho là hơi khiên cưỡng đối với khả năng của các em học sinh lớp 2. Theo tôi, tốt nhất nên để học sinh lớp 7, lớp 8, các em thạo về ngôn ngữ mới bắt đầu tiếp xúc với bộ môn này sẽ chuẩn hơn”.
“Lâu nay chúng ta học môn xác suất – thống kê theo kiểu hàn lâm đó là dạy kiến thức xác suất trước rồi từ đó mới đi tới thống kê là kết quả được sinh ra từ xác suất. Nhưng ở nước ngoài họ thường dạy thống kê mô tả trước từ đó khái quát hóa lên khái niệm xác suất. Việc tiếp cận bộ môn này cũng cần được nghiên cứu để làm sao thực sự đơn giản đối với học sinh” – thầy Vĩnh nhận định.
Cùng chung quan điểm trên, cô giáo Bùi Thu Hương (giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, hiện tại kiến thức sơ đẳng của môn xác suất - thống kê đã được dạy trong cấp học tiểu học.
“Hiện tại cuối lớp 3 các em đã bắt đầu được làm quen với các bài toán thống kê ở mức độ rất đơn giản và nắm bắt kiến thức rất tốt với khả năng tư duy ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, nếu phần kiến thức này được dạy cho học sinh đầu lớp 2 thì sẽ tương đối khó khăn bởi khả năng ngôn ngữ của các em chưa phát triển đầy đủ, sẽ khó cho giáo viên giúp các em tiếp cận môn học” - cô giáo Thu Hương chia sẻ quan điểm về việc học xác suất – thống kê từ lớp 2.
“Chắc chắn nếu kiến thức xác suất – thống kê được dạy ở lớp 2 trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo viên sẽ phải được tập huấn phương pháp giảng dạy, ngoài ra kiến thức cũng phải được sàng lọc rất kỹ càng để học sinh trong lứa tuổi này có thể hiểu. Cá nhân tôi cho rằng việc đưa kiến thức này vào lớp 2 là hơi sớm” – Cô Hương khẳng định.
Cô giáo Thu Hương cũng cho biết mình từng nghiên cứu về môn học này ở lứa tuổi cấp 1, theo nghiên cứu “Hiểu về xác suất trong trong lứa tuổi tiểu học và cận tiểu học” của hai nhà toán học Tatjana HodnikČadež và Maja Škrbec người Slovenia - sau khi thử nghiệm trên 623 học sinh từ 4 tuổi tới lớp 3, các em đều có thể hiểu được sự khác nhau giữa các khả năng xảy ra của một sự kiện. “Tuy nhiên, để áp dụng ngay lập tức vào lớp 2 trong chương trình phổ thông mới, theo tôi cần phải có sự thận trọng” – cô Hương chia sẻ.