Ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế. Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đã phân tích thêm về sự tác động của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực giáo dục, đồng thời đề xuất kiến nghị với Chính phủ một số biện pháp khắc phục.
Đại biểu đoàn Hà Nội đã đánh giá rất cao Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH nhanh chóng và kịp thời chỉ đạo các cơ sở giảng dạy trực tuyến qua các phần mềm, ứng dụng, các kênh truyền hình giúp việc học tập không bị gián đoạn.
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đề xuất gói hỗ trợ cho giáo viên mầm non tư thục mất việc sau dịch COVID-19.
"Qua việc giảng dạy trực tuyến, điều chúng ta nhận thấy rất rõ đó là sự chuyển biến về năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy, cô giáo trong toàn bộ hệ thống giáo dục đã được nâng lên rõ rệt. Tôi cho đây là mặt tích cực mà chúng ta cần phát huy trong thời gian tới. Tuy nhiên, còn những vấn đề như hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin, trang thiết bị dạy học, phần mềm ứng dụng và hệ thống học liệu của chúng ta còn thiếu và chưa đảm bảo cho việc dạy và học trực tuyến nên phần nào còn hạn chế", đại biểu Ánh nêu lên thực trạng.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng không khỏi xúc động trước hình ảnh các thầy cô giáo vùng cao trèo đèo, lội suối đến tận nhà, tận bản mang bài ôn tập cho học sinh khi không có đủ điều kiện học online.
"Cùng với đó là hình ảnh các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi bộ hơn 4 tiếng đồng hồ để đến những nơi có sóng điện thoại để kịp thời ôn tập chương trình tốt nghiệp. Đây là những hình ảnh mà các cấp, các ngành chúng ta cũng cần phải suy nghĩ và trăn trở", đại biểu nói.
Tuy nhiên, điều khiến nữ đại biểu đau đáu khi dịch COVID-19 đã khiến nhiều trường mầm non tư thục phải đóng cửa vì không đủ khả năng chi trả chi phí mặt bằng, thuê giáo viên và hàng loạt chi phí khác trong suốt 3 tháng qua.
"Nhiều giáo viên mầm non phải nghỉ không lương, mất việc làm và không có thu nhập. Vậy trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành chúng ta phải làm gì để thay đổi, rút ngắn được khoảng cách về chất lượng giáo dục, về môi trường sống giữa khu vực đô thị với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo quyền bình đẳng được học tập, vui chơi cho các em. Chính sách nào để hỗ trợ giảm bớt các thủ tục giúp cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục sớm tiếp cận được những gói hỗ trợ của Chính phủ", nữ đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng đưa ra các đề xuất đối với đối tượng là giáo viên mầm non tư thục: "Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành giảm bớt các thủ tục hành chính để giúp cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục sớm tiếp cận được các gói tín dụng, bổ sung các gói hỗ trợ thất nghiệp cho các đối tượng là giáo viên mầm non tư thục đã bị mất việc sau đại dịch COVID-19".